Thánh lễ cao điểm tuần chầu đền tạ tại giáo xứ Yên Thịnh

GPVO – Vào 7h45p ngày 15/11/2020, Đức Giám mục Phaolô Maria Cao Đình Thuyên đã viếng thăm và cử hành thánh lễ cao điểm tuần chầu đền tạ Chúa Giêsu Thánh Thể tại giáo xứ Yên Thịnh. Đồng tế và hiệp dâng thánh lễ có cha quản xứ F.X Chu Đức Tuệ, cha quản hạt Xã Đoài Phaolô Nguyễn Văn Hiểu, quý cha trong và ngoài giáo hạt Xã Đoài, quý tu sĩ cùng cộng đoàn dân Chúa.

Nằm trên địa bàn xã Hưng Yên Bắc, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, giáo xứ Yên Thịnh bao gồm hai giáo họ là Yên Thịnh và Thượng Thôn với số giáo dân hiện tại hơn 2.700 nhân danh. Yên Thịnh có nguồn gốc từ hai nhóm dân cư của họ Thiều Xá di cư đến vùng kinh tế mới vào năm 1912. Khi đó, một nhóm lên núi lập thành Làng Trại (Giáp Trại) và một nhóm di cư về phía Tây Nam lập thành Làng Đồng (Giáp Đồng). Cả hai giáo họ đều thuộc giáo xứ Trang Nứa. Năm 1926, sau khi về quản xứ Trang Nứa, cha G.B Biển đã xin Đức cha Bắc lập thành hai giáo họ mới. Năm 1969, cha Giuse Nguyễn Đức Bảo cho đổi tên một số giáo họ trong giáo xứ Trang Nứa. Họ Giáp Đồng được đổi tên thành họ Yên Thịnh và họ Làng Thượng lấy tên là Thượng Thôn.

Sau thời kỳ bao cấp đầy biến động do ảnh hưởng của chiến tranh và những biến cố bách hại đạo, từ thập niên 90, đời sống của người dân Yên Thịnh được cải thiện đáng kể khi vùng đất xung quanh chợ Hến được chọn làm trung tâm phát triển kinh tế – văn hóa của xã Hưng Yên. Từ đó, con em nơi đây được học hành đầy đủ hơn, các ngành nghề dần được hình thành giúp nâng cao đời sống vật chất. Bên cạnh đó, đời sống đạo cũng được thăng tiến, giáo dân sống đạo đức, có tinh thần phục vụ Chúa và Giáo Hội. Tất cả đã mở ra một thời kỳ mới cho mảnh đất Yên Thịnh.

Ngày 02/02/2017, Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp đã quyết định thành lập chuẩn giáo xứ Yên Thịnh, tách ra từ xứ mẹ Trang Nứa và bổ nhiệm cha F.X. Chu Đức Tuệ làm linh mục quản xứ tiên khởi. Ngày 20/07/2020, cộng đoàn Yên Thịnh hân hoan chào đón Đức Giám mục Giáo phận Anphong Nguyễn Hữu Long viếng thăm và cử hành thánh lễ công bố thành lập giáo xứ. Yên Thịnh trở thành giáo xứ thứ 119 của Giáo phận Vinh.

Giảng trong thánh lễ, Đức cha chủ tế quảng diễn về ý nghĩa của Bí tích Thánh Thể cũng như những tâm tình khi cử hành và sống bí tích cực trọng này. Thánh Thể chính là lễ vượt qua mới đã được Đức Kitô đã thiết lập trên nền tảng Lễ Vượt Qua cổ truyền mà giá trị và ý nghĩa vượt hẳn Lễ Vượt Qua cũ. Chúa Kitô chính là chiên vượt qua đã chịu sát tế và qua sự Phục Sinh vinh quang bất diệt, Người đã giải phóng toàn thể tạo vật và hoàn thành kế hoạch của Chúa Cha là quy tụ muôn loài muôn vật về một mối. Bí tích Thánh Thể sẽ được kéo dài mãi trong thời gian cho đến ngày Đức Kitô trở lại. Mỗi lần cử hành bí tích Thánh Thể là mỗi lần mầu nhiệm cứu độ được hiện tại hóa, tình yêu Chúa được cụ thể hóa và sự hiệp nhất được thực hiện. Bí tích thánh Thể là nơi quy tụ của vạn vật, là điểm vượt qua của vũ trụ để đi vào cõi đời đời hạnh phúc. Thánh Thể nói lên việc hoàn thành sứ mạng cứu độ theo chương trình Chúa Cha đã hoạch định và quy tụ cho Chúa Cha mọi dân tộc và cả vạn vật.

Chính vì những ý nghĩa quan trọng đó, “đời sống Thánh Thể của người Kitô hữu không được phép thu gọn trong một số việc sùng kính có tính cách cá nhân và ít ảnh hưởng tới cuộc sống thực tại bên ngoài. Thánh Thể phải được cử hành trong tư thế lên đường về đất hứa nghĩa là luôn đấu tranh với tiêu cực để tiến tới trong điều thiện, để làm đà tiến mau và vững chắc về Nước Trời. Bí tích Thánh Thể phải được cử hành trong tình huynh đệ, bác ái và hiệp nhất. Đóng khung việc cử hành Thánh Thể là mâu thuẫn, là giới hạn hoạt động của Chúa Kitô”.

Trong mối liên hệ với Bí tích Thánh Thể, Đức cha Phaolô Maria cũng nhấn mạnh đến bổn phẩn của người môn đệ Chúa Kitô: Đã lãnh nhận phép Thánh Thể là phải đi vào đời, đi vào cuộc sống bên ngoài để đóng góp phần mình vào Lễ Vượt Qua của Chúa Giêsu. Người Công giáo muốn lãnh nhận Thánh Thể cách xứng đáng phải có lòng yêu thương dạt dào, yêu Chúa, yêu tha nhân bắt nguồn từ trong con tim đã được kết hợp với Mình và Máu Thánh Chúa.

Sau cùng, Đức cha chủ tế mời gọi mỗi người biết nhanh chân ngã vào lòng thương xót Chúa với tất cả niềm tín thác, biết chạy đến múc lấy nguồn thần linh đang chảy ào ạt từ Thánh Thể Chúa Kitô là quà tặng từ trái tim vô cùng yêu thương của Chúa, đồng thời, biết năng kết hợp với Thánh Thể để có đủ sức mạnh ngõ hầu sống xứng đáng với ơn gọi của người giáo dân: Giáo dân là người của Giáo Hội trong lòng thế giới và giáo dân là người của thế giới trong lòng Giáo Hội. 

Quốc Diện