Hồng y Cantalamessa biện hộ để Giáo Hội đi ra khỏi vòng kafka

Phanxico.vn (20/12/2021) – Hồng y Cantalamessa 87 tuổi, tiếp tục các bài giảng Mùa Vọng của ngài trước Đức Phanxicô và các giám chức Giáo triều tại Hội trường Phaolô VI. Trước khi bắt đầu bài giảng, ngài chúc mừng sinh nhật 85 tuổi của Đức Phanxicô ngày 17/12/2021.

Trong bài giảng, Đức Hồng y nhấn mạnh đến chủ đề thân thiết của Đức Phanxicô: “Đấu tranh chống lại tính tự quy chiếu của Giáo hội.” Để làm sáng tỏ suy nghĩ của mình, ngài kể lại câu chuyện của nhà văn Franz Kafka (1883-1924) có tựa đề Thông điệp của Hoàng đế. Năm 1917, tác giả Kafka kể câu chuyện một người đưa tin phải mang một thông điệp quan trọng đến một lâu đài mà cuối cùng ông không bao giờ đi ra được vì sự phức tạp của nơi này.

Hồng y giảng: “Khi đọc câu chuyện này, chúng ta không thể không nghĩ đến Chúa Kitô, Đấng trước khi từ giã trần thế đã giao cho Giáo hội thông điệp: ‘Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho mọi loài thọ tạo’. Và chúng ta không thể không nghĩ đến tất cả những người đứng bên cửa sổ và mơ mà không biết mình mơ một thông điệp như thông điệp của Ngài.”

Theo Hồng y Cantalamessa, mọi thứ phải được thực hiện “để Giáo hội không bao giờ trở thành lâu đài phức tạp và lộn xộn như Kafka mô tả”. Vì vậy, thông điệp phải được loan truyền tự do và vui vẻ từ đầu hành trình của nó.”

Sau đó, ngài liệt kê “những bức tường ngăn cách” hiện nay đã chận lại thông điệp Tin mừng: những bức tường ngăn cách giữa các Giáo hội Kitô giáo với nhau, những thái quá trong bộ máy hành chính hoặc “tàn tích của một nghi thức đã trở nên không đáng kể”.

Hồng y đưa ra một hình ảnh khác, ngài so sánh Giáo hội với một số tòa nhà cổ: “Qua nhiều thế kỷ, để thích ứng với nhu cầu của thời điểm, người ta thêm vào vách ngăn, cầu thang, thêm phòng, thêm tủ, xà nhà”.

Nhưng, đã đến lúc những thích ứng này không còn đáp ứng nhu cầu hiện tại, đúng hơn là làm trở ngại. “Sau đó, chúng ta phải có can đảm để phá bỏ chúng và mang lại cho tòa nhà sự đơn giản và tuyến tính như nguồn gốc của nó, với một mục đích sử dụng mới.”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch