GPVO (29/12/2022) – Chuyện kể rằng: Từ thuở thơ ấu, thánh Vianney đã có lòng kính Đức Mẹ cách đặc biệt. Hồi mới 8 tuổi, khi đi chăn chiên ở ngoài đồng, cậu đã biết khuyến khích các bạn quỳ gối và lần hạt trước ảnh Đức Mẹ. Vianney thường thi đua cuốc đất với anh cậu. Người anh thì lớn và khỏe hơn cậu nhiều, thế nhưng rốt cuộc lần nào anh ta cũng thua. Đó là vì Vianney áp dụng chiến lược thần sầu quỷ khóc sau đây. Cậu lấy một bức ảnh Đức Mẹ để ở đàng xa, rồi cứ nhắm đấy mà cuốc, cuốc đến chân ảnh Đức Mẹ cậu lại dời ảnh Đức Mẹ đi xa hơn… và cứ thế, cậu nhanh chóng đạt tới đích. Cậu nhìn Mẹ, làm việc với Mẹ, nên tươi vui phấn khởi tràn ngập linh hồn. Cậu vượt thắng anh và sau này vượt thắng mọi sự với Mẹ.
Đức Maria – Mẹ Thiên Chúa – là tước hiệu vô cùng cao trọng và có giá trị đời đời đối với Đức Maria và đối với chúng ta. Tại sao vậy? Tước hiệu Mẹ Thiên Chúa xuất phát từ đâu? Tại sao Thiên Chúa lại để cho một người nữ trần gian sinh ra mình? Kinh Thánh đã nói gì? Hội Thánh đã nói gì về tước hiệu này? Và Đức Maria đã để lại mẫu gương gì cho chúng ta trong đời sống đức tin?
Chúng ta đang hoan hỉ và vui sướng trong những ngày này vì Con Chúa đã giáng trần. Nhìn vào hang đá, chúng ta thấy Hài Nhi Giêsu đang giang rộng cánh tay như đang chào đón cũng như muốn ôm trọn mọi người chúng ta trong bàn tay đầy nhân ái của Ngài. Bên cạnh Ngài, chúng ta quan sát thấy có Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse. Quả thật, Giáo hội muốn mừng kính lễ Mẹ Thiên Chúa vào ngày kết thúc tuần Bát nhật Giáng sinh và ngày đầu năm Dương lịch để nhắn nhủ mọi người rằng trung tâm của mầu nhiệm Nhập thể là Đức Giêsu. Ngài là trung tâm của vũ trụ vạn vật và nguồn ơn cứu độ duy nhất. Đức Maria, Mẹ của Ngôi Lời Nhập Thể, nhân vật không thể thiếu trong mầu nhiệm này. Một người Mẹ tuy là người trần mắt thịt, thuộc dòng dõi Adam nhưng lại được Thiên Chúa chọn đặt làm người cưu mang và sinh hạ Con Thiên Chúa, Ngôi Lời Thiên Chúa. Một việc làm cần thiết và đúng với cung cách của con người theo ý định của Thiên Chúa. Nhiều người sẽ đặt câu hỏi: Tại sao Thiên Chúa toàn năng, Đấng làm nên mọi sự mà lại lệ thuộc hay lại phải chọn con người vốn là thụ tạo của Thiên Chúa để được sinh ra? Thánh Bônaventura nói: “Chức làm Mẹ Thiên Chúa là chức to lớn, phi thường nhất Thiên Chúa có thể ban cho một loài thụ tạo.”
Thật vậy, người ta thường nói: “Chim có tổ, nước có nguồn, con người cũng có tổ tông”. Mỗi người sinh ra trên trần gian này đều có cha có mẹ. Đó là nguồn cội của con người. Con người phải có tổ ấm, phải có gia đình. Để cứu độ con người, Chúa Giêsu khi bước xuống trần gian này cũng không muốn sống ngoài định luật của loài người. Ngài cũng có cha nuôi là Giuse và mẹ là Đức Maria. Chúa giáng trần cũng có một gia đình như bao người khác. Tuy nhiên, việc sinh ra của Ngài có sự can thiệp đặc biệt của Thiên Chúa, cụ thể là bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần, Đức Maria mới có thai mặc dù đã khấn giữ đồng trinh và mặc dù chưa ăn ở Giuse, người đã đính hôn với mẹ (x.Lc 1, 26-38). Đây là đặc ân vô tiền khoáng hậu, độc nhất vô nhị mà Thiên Chúa đã ban tặng cho Đức Maria mà không ai ở trần gian xứng đáng đón nhận. Từ đặc ân tuyệt diệu này mà Đức Maria trở thành Mẹ Thiên Chúa, Mẹ của Đức Giê-su, Ngôi Lời Nhập Thể. Lời của người chị họ Êlisabet nói với Mẹ là một minh chứng xác thực: “Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm tôi” (x. Lc 1, 39-45).
Không những Kinh Thánh khẳng định Đức Maria là Mẹ của Đức Giêsu, Ngôi Lời làm người mà chính Công đồng Ê-phê-xô năm 431 cũng nhấn mạnh: “Đức Trinh Nữ Maria là Mẹ Thiên Chúa, bởi vì người cũng đã thực sự sinh ra Đấng Thiên Chúa làm người”.
Giáo lý Hội Thánh Công giáo số 495 cũng khẳng định: “Trong các sách Tin mừng, Đức Maria được gọi là “Mẹ Đức Giê-su” (Ga 2, 1; 19,25) (x.Mt 13,55). Dưới sự thúc đẩy của Thánh Thần, Mẹ được xưng tụng là “Mẹ của Chúa tôi” (Lc 1,43) ngay cả trước khi Con Mẹ sinh ra. Quả thế, Đấng mà Mẹ cưu mang làm người bởi Thánh Thần, Đấng thực sự là Con Mẹ theo xác phàm, chính là Con hằng hữu của Chúa Cha, Ngôi Hai trong Ba Ngôi chí thánh. Vì vậy, Hội Thánh tuyên xưng Đức Maria thực sự là “Mẹ Thiên Chúa” (Theotokos) (DS 25l).”
Như thế, từ nay chúng ta hãy xác tín hơn về tín điều Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa. Và mừng lễ Mẹ Thiên Chúa, chúng ta cùng xem Đức Maria đã đem lại cho chúng ta những mẫu gương nào để chúng ta là con Mẹ noi gương bắt chước.
Trong hàng ngũ các vị thánh, thánh Gioan Bốtcô sáng chói về kinh nghiệm giáo dục giới trẻ, thánh Ignatiô nổi tiếng về kinh nghiệm nhận định ý Chúa. Nhắc đến thánh nữ Têrêsa Hài đồng là nhắc đến con đường thơ ấu thiêng liêng, thánh Phanxicô là con đường của hòa bình, con đường của nghèo khó,… Mỗi vị thánh nổi bật về một vài khía cạnh, chỉ riêng Đức Trinh nữ Maria được coi là tấm gương toàn diện cho Hội Thánh và cho từng người chúng ta vì Mẹ là hình ảnh tuyệt hảo về đức tin và đức ái mà Hội Thánh phải thể hiện. Cụ thể:
Thứ nhất, Mẹ là mẫu gương về đời sống đức tin: Trong ngày lễ Truyền tin, Mẹ đã khiêm tốn thưa “xin vâng” với Thiên Chúa. Mẹ đã hoàn toàn để cho Thiên Chúa làm chủ và hướng dẫn đời mình với trọn niềm phó thác, cậy trông và yêu mến. Trong từng biến cố lớn nhỏ, Mẹ đã luôn chăm chú lắng nghe lời Thiên Chúa và trung thành làm theo ý Thiên Chúa (Lc 1, 38 ; Mc 3,31-35; Lc 11, 28; GH 56. 61. 63).
Đặc biệt, Mẹ luôn yêu mến và gắn bó với Chúa Giê-su, lòng yêu mến đó đã được thể hiện sâu đậm trong những giờ phút đau khổ ở dưới chân Thánh giá (Lc 1,41-52; Ga 19,25-27).
Thứ đến, Mẹ Maria là mẫu gương sống đức ái: Qua việc đi thăm bà Êlisabét và nhất là trong tiệc cưới Cana, Mẹ đã để lại một tấm gương bác ái sống động: quan tâm đến từng người một cách tế nhị và mau mắn giúp đỡ (Lc 1,39. 56; Ga 2,1-12).
Ngày xưa, dưới chân thánh giá, Chúa Giêsu đã trao Đức Maria cho Gioan: “Này là mẹ con” và “Này là con bà” (x.Ga 19, 26-27). Chính Gioan đã đưa Mẹ về nhà mình để có Mẹ ở cùng trong mọi ngày sống. Chúng ta cũng vậy, Chúa Giê-su cũng muốn trao Đức Mẹ cho mỗi người chúng ta để từ nay trong mỗi giây phút của cuộc đời, chúng ta luôn có Mẹ chở che và đỡ nâng. Quả thật, Mẹ là máng thông ơn, là người cầu bầu đắc lực, là người quyền thế trước mặt Chúa để chuyển ơn từ Chúa cho chúng ta và đưa những nhu cầu, ước nguyện của chúng ta lên cùng Chúa. Vì thế, chúng ta được mời gọi hãy yêu mến Mẹ, hãy năng chạy đến với Mẹ qua việc lần chuỗi Mân Côi để cùng với Mẹ ca tụng Thiên Chúa. Chúng ta hãy mau tâm sự với Mẹ những niềm vui lẫn những nỗi buồn như câu chuyện mà tôi vừa kể trên của cha thánh Gioan Maria Vianney về lòng sùng kính Đức Mẹ. Hơn nữa, chúng ta hãy biết mau mắn trao phó cho Mẹ mọi nỗi âu lo, những khó khăn và cả những yếu đuối của ta để xin Mẹ nâng đỡ, phù trì.
Mừng lễ Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa, trong dịp đầu năm mới Dương lịch, chúng ta được mời gọi hãy nhìn lại những điều thiếu sót trong năm để xin lỗi Mẹ và xin lỗi Chúa. Đồng thời, qua Mẹ, chúng ta quyết tâm dâng hết mọi suy nghĩ, lời nói và việc làm trong năm mới này cho Chúa để Ngài chúc lành cho chúng ta ngõ hầu chúng ta xứng đáng là con yêu dấu của Mẹ Maria và là người em của Anh Cả Giêsu.
Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương