Tiền Chủng viện Xã Đoài: Hành trình bác ái Mùa Chay

GPVO (13/3/2023) – Một hành trình của sự sẻ chia và lòng nhân ái. Chuyến đi khơi gợi và hun đúc lý tưởng dấn thân cao đẹp nơi chúng tôi – những tiền chủng sinh mang trong mình khát khao tiếp bước con đường của Đức Kitô…

Bước vào những ngày tập luyện chiến đấu thiêng liêng của Mùa Chay thánh, Giáo hội tha thiết mời gọi những cách thế hy sinh hãm mình để trở về với Thiên Chúa và tôn vinh Người. Đồng thời, mỗi tín hữu được mời gọi quy hướng về tha nhân, hầu lưu tâm giúp đỡ và sống tình bác ái huynh đệ. Mùa Chay không chỉ giới hạn ở việc chay tịnh để hãm dẹp thân xác, cũng không chỉ là chuyên chăm cầu nguyện để tỉnh thức và chiến đấu chống lại cám dỗ nhưng còn là thời cơ thực thi đức bác ái với tha nhân, nhất là với những anh chị em đang gặp những hoàn cảnh khó khăn.

Hòa chung với những tâm tình ấy, ngày 12/3/2023, Chúa nhật III Mùa Chay, đoàn chúng tôi bao gồm quý cha, quý thầy Tiền Chủng viện Xã Đoài cùng cô Danh Nguyễn đến từ thành phố San Diego (Hoa Kỳ) đã có chuyến thăm bác ái các bệnh nhân trong Giáo phận.

7h30p sáng, trong tiết trời dịu mát của những ngày giao mùa, chiếc xe khách chở đoàn chúng tôi từ từ lăn bánh, bỏ lại sau lưng mái nhà Tiền Chủng viện và Tòa Giám mục thân thương bình lặng để di chuyển đến trại phong Quỳnh Lập (xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An). Ai cũng háo hức và mang trong mình những xúc cảm thật khó diễn tả khi được tham gia vào một hành trình mục vụ bác ái đầy ý nghĩa trong thời “Thiên Chúa thi ân, trong ngày Thiên Chúa cứu độ” (x.2Cr 6,2).

Sau gần hai giờ di chuyển trên quãng đường dài hơn 80km, chúng tôi đặt chân đến trại phong vào khoảng 9h30p sáng khi nắng sớm đã bắt đầu lên cao. Thật ngạc nhiên, không như chúng tôi tưởng tượng, làng phong Quỳnh Lập không phải là một ngôi làng hẩm hiu và đáng sợ bởi sự hoành hành của chứng bệnh nan y quái ác. Trái lại, mỗi chúng tôi cảm nhận được một sự bình yên lạ kỳ, một niềm vui rạng rỡ nơi những con người đang phải ngày ngày chiến đấu với căn bệnh hiểm nghèo qua những lời chào hỏi và những cái bắt tay thật niềm nở và thân thiện.

Chia sẻ với chúng tôi về cuộc sống của những bệnh nhân phong, nữ tu Maria Nguyễn Thị Nguyễn cho biết: “Giờ đây, mặc dù virus Hansen đã được khống chế, bệnh phong cũng đã được chữa lành nhưng những phận người bé nhỏ nơi đây vẫn mang trong mình những nỗi đau không bao giờ có thể nguôi ngoai về thể xác, vật chất lẫn tinh thần. Vì vậy, những mảnh đời kém may mắn của làng phong này luôn cần đến sự quan tâm, giúp đỡ tất cả mọi người, mọi thành phần trong xã hội.

Cảm nhận được tình yêu và những sự cố gắng của quý sơ phục vụ cũng như các bệnh nhân nơi, cha G.B Nguyễn Kim Đồng, Giám đốc Tiền Chủng viện Xã Đoài khuyến khích: “Tất cả mọi người trong xã hội đều luôn hướng về anh chị em. Và mỗi người, trong khả năng và hoàn cảnh của mình đều đang cố gắng để giúp đỡ và đồng cảm với anh chị em. Vì thế, anh chị em hãy tự tin, hãy tin tưởng vào chính mình, tin tưởng vào tấm lòng nhân ái của tha nhân, đặc biệt tin tưởng vào tình yêu và lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa, Đấng không bao giờ bỏ rơi những người nghèo khổ, yếu đau và bất hạnh”.

Điểm vui thích và ý nghĩa là đồng thời với chuyến đi của chúng tôi còn có đoàn của Hội Thánh Tin Lành Miền Nam cũng đang trao tặng những món quà dành cho anh chị em bệnh nhân phong. Hai bên đã cùng có những hoạt động chia sẻ tình cảm thật ý nghĩa qua những nụ cười, ánh mắt, bắt tay hữu nghị và cùng nhau đưa quà cho người bệnh.

Từng bị coi là một mảnh đất chết, nơi cưu mang những con người chỉ còn biết đếm chút hơi tàn, chờ ngày trở về cõi hư vô nhưng hôm nay, làng phong Quỳnh Lập đang mang trong mình một sức sống mới. Nơi đây đang là quê hương thân yêu cho 180 phận người kém may mắn. Ở đó, sống với những người đồng cảnh ngộ, họ không phải đối diện với những ánh mắt kỳ thị, sự xa lánh cay nghiệt của cộng đồng, thậm chí là những người thân thuộc máu mủ. Họ được chấp nhận, được sống một cuộc sống bình yên bên những con người không bao giờ bỏ rơi hay có thái độ phân biệt đối xử với họ.

Được hỏi về cuộc sống nơi đây, bà Lữ Thị Hạnh, một bệnh nhân đã sống ở làng phong 50 năm nay chia sẻ: “Trước kia, nơi đây rất khó khăn, phần vì trợ cấp nhà nước còn hạn chế, phần vì không mấy người đến thăm hỏi, tặng quà và giúp đỡ. Nhưng nay, cuộc sống của mọi người đã khá hơn nhiều. Dẫu vậy, những bệnh nhân làng phong luôn có một nỗi đau, một nỗi cô đơn không thể diễn tả hết được bởi vẫn còn đó rất nhiều sự mặc cảm, e ngại và xa lánh của nhiều người. Thậm chí, có những người có con cái kết hôn cũng không dám nhận, cũng chẳng dám cho ai biết”.

Sau khi được quý xơ hướng dẫn và giới thiệu, quý cha, quý thầy cùng quý ân nhân trong đoàn chúng tôi đã thăm hỏi, chia sẻ và trao tặng những suất quà thân thương đến các bệnh nhân phong. Ai trong chúng tôi cũng cảm nhận được đó là niềm vui và sự ấm áp tình người hiện lên cách rạng rỡ nơi cả người cho lẫn kẻ nhận.

Vào 13h30p, tiếp tục chuyến hành trình mục vụ bác ái, đoàn chúng tôi dừng chân và ghé thăm mái ấm Thiện Tâm Faustina II (xã Diễn Phúc, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An). Nơi đây đang cưu mang và nuôi dưỡng 65 bệnh nhân mang các chứng bệnh tâm thần và thiểu năng. Mặc cho những ngang trái cả cuộc sống, chúng tôi thật sự ấn tượng với sự vui vẻ, lạc quan, yêu đời của quý xơ phục vụ cũng như của các bệnh nhân. Chia sẻ cho họ những món quà bé nhỏ, chúng tôi ngỡ ngàng và cảm động khi nhận lại được biết bao lời cảm ơn qua những giọng hát đơn sơ, chân thành nhưng chất chứa bao nỗi niềm và mơ ước về một cuộc sống đủ đầy nghĩa tình.

Trên hành trình trở về, chúng tôi đã có cơ hội ghé thăm Trung tâm Mồ côi Khuyết tật Mẹ Têrêsa Calcutta (xã Nghi Vạn, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) và Trung tâm Nuôi dưỡng Trẻ em Khuyết tật thánh Giuse (xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An). Một điểm chung mà chúng tôi cảm nhận được ở những nơi mà chúng tôi đặt chân đến đó là tinh thần quảng đại, hy sinh, phục vụ của quý sơ cũng như một đời sống đơn sơ nhưng đong đầy tình yêu và niềm vui của các bệnh nhân.

Chiều đến, lúc 16h, chuyến đi kết thúc và chúng tôi lại trở về với Tiền Chủng viện để tiếp tục hành trình ơn gọi của bản thân. Tuy chỉ có chút thời gian vắn vỏi bên cạnh những con người kém may mắn nơi trại phong Quỳnh Lập cũng như nơi các cơ sở thiện nguyện nhưng cũng là đủ để ghi lại nơi chúng tôi những hình ảnh chân thực và sâu sắc về những mảnh đời bất hạnh, những số phận kém may mắn đang cần lắm thật nihều sự quan tâm và sẻ chia. Điều đó thật sự mang nhiều ý nghĩa và để lại cho chúng tôi nhiều suy tư trên chặng đường trở thành người môn đệ đích thực của Đức Kitô.

 BTT TCV Xã Đoài