VATICAN ngày 7 tháng 5 (Reuters) – Khói đen bốc lên từ ống khói nhà nguyện Sistine vào tối thứ Tư, báo hiệu vòng bỏ phiếu đầu tiên của các hồng y trong mật nghị bầu giáo hoàng đã không đạt kết quả. Các hồng y bị cách ly tại nhà nguyện trong nỗ lực chọn ra vị giáo hoàng mới để dẫn dắt Giáo hội Công giáo Rôma.
Hàng nghìn tín hữu đã tụ tập tại quảng trường thánh Phêrô, chờ đợi khói bốc ra từ ống khói nhỏ trên mái nhà nguyện vào cuối một ngày trang nghiêm và đầy nghi lễ, khi các vị hồng y cầu xin sự hướng dẫn của Thiên Chúa trong cuộc bỏ phiếu kín.
Đám đông cần kiên nhẫn vì phải mất nhiều thời gian hơn dự kiến để thấy khói xuất hiện – hơn ba giờ sau khi mật nghị bắt đầu. Đây là khoảng thời gian dài hơn một giờ so với mật nghị năm 2013 khi khói đầu tiên xuất hiện sau vòng bỏ phiếu đầu tiên, lần đó đã bầu ra đức giáo hoàng Phanxicô.
Khi một giáo hoàng được chọn, khói trắng sẽ bay lên, nhưng điều này không được mong đợi vào thứ Tư – trong thời hiện đại, chưa có giáo hoàng nào được bầu ngay trong ngày đầu tiên của mật nghị.
Tuy nhiên, một số hồng y trong tuần này cho biết họ hy vọng quá trình bầu cử có thể kết thúc vào thứ Năm hoặc thứ Sáu để thể hiện sự hiệp nhất của Giáo hội sau triều đại kéo dài 12 năm đầy biến động của đức Phanxicô, người vừa qua đời tháng trước.
133 hồng y cử tri – tất cả đều dưới 80 tuổi – sẽ qua đêm tại một trong hai nhà khách của Vatican, nơi họ có thể tiếp tục thảo luận trong bầu khí thinh lặng trước khi trở lại nhà nguyện vào sáng thứ Năm.
Sau vòng bỏ phiếu duy nhất hôm thứ Tư, các “hoàng tử của Giáo hội” đội mũ đỏ sẽ tiến hành hai vòng bỏ phiếu vào buổi sáng và hai vòng vào buổi chiều trong những ngày tiếp theo cho đến khi một người giành được ít nhất hai phần ba số phiếu – lần này là 89 phiếu.
Liên lạc duy nhất của họ với thế giới bên ngoài là làn khói khi họ đốt các lá phiếu, được trộn với hóa chất đặc biệt – khói đen nếu chưa chọn được giáo hoàng, khói trắng khi đã có người được bầu.
Các mật nghị giáo hoàng hiện đại thường diễn ra trong thời gian ngắn. Mật nghị năm 2013 chỉ kéo dài hai ngày, cũng như năm 2005 khi đức Bênêđictô XVI được chọn.
Những ngày gần đây, các hồng y đưa ra những quan điểm khác nhau về mẫu người họ mong muốn cho vị giáo hoàng kế tiếp, người sẽ lãnh đạo Giáo hội với hơn 1,4 tỷ tín hữu.
Một số kêu gọi tiếp nối tầm nhìn cải cách và cởi mở của đức Phanxicô, trong khi những người khác muốn quay lại với truyền thống xưa. Nhiều người bày tỏ mong muốn có một triều đại giáo hoàng ổn định và có thể đoán trước.
“VÌ LỢI ÍCH CỦA GIÁO HỘI”
Trong bài giảng trước khi mật nghị bắt đầu, hồng y người Ý Giovanni Battista Re – 91 tuổi, quá tuổi tham gia bầu cử – đã nói với các hồng y đồng sự rằng họ phải gạt bỏ mọi động cơ cá nhân khi chọn giáo hoàng mới và chỉ nên nghĩ đến “lợi ích của Giáo hội và của nhân loại”.
Ngài cũng nhấn mạnh giáo hoàng tiếp theo cần tôn trọng sự đa dạng trong Giáo hội. “Sự hiệp nhất không có nghĩa là đồng nhất, mà là một sự hiệp thông vững chắc và sâu sắc trong sự đa dạng”.
Một số người theo xu hướng bảo thủ đã từng gọi đức Phanxicô thiếu truyền thống, cáo buộc ngài chào đón cộng đồng LGBT, quá mềm mỏng với người Tin lành và Hồi giáo, và quá cởi mở về nhiều vấn đề, bao gồm việc cho người đã ly hôn rước lễ.
Hiện chưa có ứng viên nổi trội rõ ràng, dù hồng y người Ý Pietro Parolin và hồng y người Philippines Luis Antonio Tagle được xem là những ứng viên hàng đầu.
Tuy nhiên, nếu nhanh chóng thấy rõ rằng không ai trong hai người có thể thắng, các lá phiếu có thể chuyển sang các ứng viên khác, với các hồng y có thể đồng thuận dựa trên địa lý, sự tương đồng tín lý, hoặc ngôn ngữ chung.
Một số ứng viên tiềm năng khác bao gồm hồng y Jean Marc Aveline (Pháp), Peter Erdo (Hungary), Robert Prevost (Mỹ) và Pierbattista Pizzaballa (Ý).
Kỷ lục 133 hồng y từ 70 quốc gia đã bước vào nhà nguyện Sistine, tăng từ 115 người thuộc 48 nước trong mật nghị năm 2013 – phản ánh nỗ lực của đức Phanxicô trong 12 năm qua nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng địa lý của Giáo hội.
Trong các cân nhắc của họ, một yếu tố là liệu có nên chọn một giáo hoàng từ phương Nam – nơi số tín hữu đang gia tăng – như năm 2013 với đức Phanxicô người Argentina, hay trao lại quyền lãnh đạo cho châu Âu, hoặc thậm chí chọn một giáo hoàng Mỹ đầu tiên trong lịch sử.
Tiếng thánh ca Latin và tiếng đàn organ vang lên khi các hồng y tiến vào nhà nguyện Sistine được trang trí bằng những bức bích họa, với bức vẽ nổi tiếng của Michelangelo về ngày phán xét chiếm lĩnh căn phòng 500 năm tuổi.
Họ đặt tay lên sách Phúc âm, tuyên thệ giữ bí mật tuyệt đối về mọi điều diễn ra trong mật nghị.
Sau đó, trưởng nghi lễ của Vatican tổng giám mục Diego Ravelli tuyên bố bằng tiếng Latin “Extra omnes!” – Tất cả ra ngoài! – yêu cầu những người không tham gia bầu cử rời khỏi phòng, và cánh cửa gỗ nặng nề của nhà nguyện đóng sập lại, cách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài.
Dù trong các phiên bỏ phiếu không được phép thảo luận, nhưng theo kinh nghiệm, có rất nhiều cuộc gặp gỡ riêng diễn ra trong các giờ nghỉ và bữa ăn, khi tên các ứng viên có thể thay đổi qua từng phiên bỏ phiếu.
Tác giả: Crispian Balmer, Joshua McElwee and Philip Pullella
Bản dịch tiếng Việt: Ban Truyền thông GP Vinh