Mọi ánh mắt đổ dồn về ống khói nhà nguyện Sistine trong ngày thứ hai của mật nghị

AFP, Vatican 8/5/2025 – Thế giới Công giáo hồi hộp chờ đợi vào ngày 8 tháng 5 khi các hồng y có nhiệm vụ chọn ra vị giáo hoàng mới chuẩn bị lui vào sau cánh cửa nặng nề của nhà nguyện Sistine tại Vatican để tiếp tục bỏ phiếu trong ngày thứ hai.

Một làn khói đen đã bốc lên trên đám đông tụ tập tại quảng trường thánh Phêrô vào cuối ngày 7 tháng 5, xác nhận rằng lá phiếu đầu tiên của mật nghị không đạt được đa số hai phần ba để chọn người kế vị cố giáo hoàng Phanxicô.

133 “hoàng tử Giáo hội” đã qua đêm tại nhà khách Santa Marta và sẽ tìm kiếm sự soi sáng của Chúa trong thánh lễ riêng vào sáng ngày 8 tháng 5 trước khi tiếp tục bỏ phiếu ngày thứ hai.

Nếu lá phiếu kín đầu tiên vào buổi sáng không xác định được người chiến thắng rõ ràng từ danh sách hồng y đoàn, sẽ có một phiên bỏ phiếu thứ hai. Nếu tiếp tục không đạt đồng thuận, sẽ có hai phiên bỏ phiếu nữa vào buổi chiều.

Các hồng y sẽ ở lại trong khu vực cách ly cho đến khi vị giáo hoàng thứ 267 được chọn để dẫn dắt 1,4 tỷ tín hữu Công giáo trên toàn thế giới. Họ bị ràng buộc bởi lời thề giữ bí mật về quá trình có lịch sử hàng thế kỷ này, với hình phạt tuyệt thông nếu vi phạm.

‘KHÓI ĐEN’

Bị cách ly để tránh phân tâm và rò rỉ thông tin, cách duy nhất để các hồng y thông báo kết quả bầu cử là đốt phiếu với hóa chất để tạo ra khói. Nếu là khói đen, tức là chưa có quyết định; còn khói trắng đồng nghĩa với việc đã chọn được tân giáo hoàng.

Hai mật nghị gần đây nhất vào các năm 2005 và 2013 đều kéo dài hai ngày, nhưng trong thế kỷ trước có những kỳ kéo dài tới năm ngày. Mật nghị lâu nhất trong lịch sử kéo dài gần ba năm, từ tháng 11 năm 1268 đến tháng 9 năm 1271.

Trước khi khói xuất hiện, hàng chục ngàn người – gồm người hành hương, khách du lịch và người dân thành Roma – đã tụ tập tại quảng trường thánh Phêrô khi ánh hoàng hôn ấm áp phủ lên thành phố vĩnh cửu. Có tiếng than vãn nhẹ khi làn khói không chuyển sang màu trắng – tín hiệu được mong chờ cho một cuộc bầu chọn thành công.

Tuy nhiên, không khí vẫn không chút u ám.

“Tôi không phiền khi đó là khói đen, điều đó cho thấy Chúa Thánh Thần đang làm việc. Sẽ còn những lần bỏ phiếu khác, chúng ta rồi sẽ có giáo hoàng,” James Kleineck, 37 tuổi đến từ Texas, nói.

Barbara Mason, 50 tuổi, từ Canada đến Vatican để theo dõi mật nghị, hy vọng sẽ thấy một vị giáo hoàng tiếp nối bước chân cấp tiến của giáo hoàng Phanxicô. “Tôi mừng vì họ đã dành nhiều thời gian – điều đó có nghĩa là họ đang suy nghĩ cẩn trọng về ai sẽ là giáo hoàng,” bà nói và cho rằng vị giáo sĩ đạp xe thân thiện – hồng y Matteo Zuppi – là một lựa chọn xứng đáng.

Mật nghị năm 2025 là lớn nhất và quốc tế nhất từ trước tới nay, quy tụ các hồng y từ 70 quốc gia – nhiều người trong số họ trước đây chưa từng gặp nhau.

Trước cuộc bỏ phiếu, chưa có ứng viên nào nổi bật rõ ràng để kế nhiệm vị giáo hoàng người Argentina đầy sức hút. Các hồng y đại diện cho nhiều trường phái từ cấp tiến đến bảo thủ trong Giáo hội. Nhưng những thách thức mà tổ chức 2000 năm tuổi này đang đối mặt là rõ ràng – và vị giáo hoàng mới sau khi được chọn sẽ phải thể hiện khả năng ngoại giao khôn ngoan trong bối cảnh chính trị bất ổn, đồng thời phải giải quyết những chia rẽ sâu sắc trong Giáo hội. Ngoài ra, còn những hệ quả kéo dài từ các vụ lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ trên toàn cầu, và ở phương Tây thì đang đối mặt tình trạng nhà thờ ngày càng vắng tín hữu.

GIÁO HỘI CẦN GÌ

Nghi thức khai mạc mật nghị – với cuộc rước trọng thể của các hồng y và giáo sĩ vào nhà nguyện Sistine – được truyền hình trực tiếp trên màn hình lớn trước vương cung thánh đường thánh Phêrô. Sau khi tụ họp cầu nguyện thầm lặng tại nhà nguyện Pauline, họ tiến vào nhà nguyện nổi tiếng thế kỷ 15, nơi được trang trí bằng các bức bích họa của Michelangelo, trong một đoàn rước đầy màu sắc do các vệ binh Thụy Sĩ hộ tống.

Trong thánh lễ sáng thứ Tư tại đền thờ thánh Phêrô, hồng y niên trưởng Giovanni Battista Re đã đưa ra lời nhắn nhủ cuối cùng. Ngài nói: “Chúng ta ở đây để cầu xin sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, khẩn cầu ánh sáng và sức mạnh của Ngài để vị giáo hoàng được chọn là người mà Giáo hội và nhân loại cần đến tại thời điểm khó khăn và phức tạp này trong lịch sử”. Ở tuổi 91, ngài cũng đã quá tuổi để bỏ phiếu, vì các hồng y cử tri phải dưới 80 tuổi.

PHÁT BIỂU TỪ BAN CÔNG

Thánh lễ này là nghi thức công khai cuối cùng trước khi giáo hoàng mới được giới thiệu với thế giới từ ban công đền thờ thánh Phêrô.

Khoảng 80% hồng y có quyền bầu cử lần này được bổ nhiệm bởi đức giáo hoàng Phanxicô – một người đầy cảm hứng nhưng bộc trực, luôn ủng hộ những người bị thiệt thòi.

Tuy nhiên, trong khi một số hồng y mong muốn tân giáo hoàng sẽ bảo vệ và phát triển di sản của cố giáo hoàng Phanxicô, những người khác lại muốn một người bảo thủ hơn, kiên định với giáo lý truyền thống.

Hơn một chục cái tên đang được nhắc đến, từ hồng y người Ý Pierbattista Pizzaballa, đến hồng y người Hungary Peter Erdo và hồng y người Sri Lanka Malcolm Ranjith.

Ban Truyền thông GP Vinh dịch