➥ Đức Phanxicô, Bài giảng trong lễ phong chức linh mục ngày 25.04.2021 – Linh mục gần gũi
Anh chị em thân mến,
Những người con em này của chúng ta được kêu gọi trở thành linh mục. Chúng ta hãy suy tư một cách cẩn thận về thừa tác vụ mà họ sẽ được nâng lên trong Giáo hội. Như anh chị em đã biết, trong Tân Ước, chỉ có Chúa Giêsu là Thượng tế duy nhất; nhưng trong Người tất cả dân thánh Chúa được thiết lập trở thành dân tư tế. Tuy nhiên, trong số các môn đệ, Chúa Giêsu muốn đặc biệt chọn một số người, để nhân danh Người họ thi hành cách công khai chức vụ tư tế trong Giáo hội vì mọi người. Sau khi đã suy nghĩ chín chắn, giờ đây chúng ta chuẩn bị nâng các anh em này của chúng ta lên hàng linh mục để phục vụ Chúa Kitô, là thầy, tư tế và mục tử. Họ sẽ cộng tác xây dựng thân mình Chúa Kitô là Giáo hội, trong dân Chúa và đền thánh của Thánh Thần.
Linh mục không phải là một nghề, nhưng là một sự phục vụ
Còn với các con, những người con rất yêu dấu, các con chuẩn bị được tiến lên chức linh mục, các con hãy suy nghĩ đến việc thi hành thừa tác vụ giảng dạy thánh thiêng, các con sẽ tham gia vào sứ vụ của Chúa Kitô, vị Thầy duy nhất. Như Người, các con là những vị mục tử, và đây là điều Chúa muốn. Những vị mục tử của dân thánh trung tín của Chúa. Những vị mục tử đi với dân Chúa: có những lúc đi trước, ở giữa và sau đàn chiên, nhưng luôn ở với chiên, với dân Chúa.
Ơn gọi linh mục không phải là một nghề nghiệp, đó là một sự phục vụ, một sự phục vụ như chính Chúa đã làm cho dân Người. Vì vậy các linh mục phải học cách phục vụ dân như Chúa. Đó là sự gần gũi, thấu hiểu và dịu dàng.
Gần gũi với Chúa
Trước hết là sự gần gũi với Thiên Chúa trong cầu nguyện, trong các bí tích, trong Thánh lễ. Thưa chuyện với Chúa, ở gần bên Chúa. Trong Người, Con Thiên Chúa đã đến gần chúng ta. Tất cả lịch sử của Người Con: Chúa cũng gần gũi với các con, với mỗi người trong các con, trong hành trình cuộc sống của các con cho đến giây phút này. Ngay cả trong những giây phút đen tối của tội lỗi, Người ở đó. Hãy gần gũi với dân thánh trung tín của Chúa. Nhưng trước hết, hãy gần gũi với Thiên Chúa, bằng cầu nguyện. Một linh mục không cầu nguyện dần dần ngọn lửa Thánh Linh bên trong sẽ bị dập tắt.
Gần gũi với Giám mục
Sự gần gũi thứ hai là gần gũi với Giám mục. Các con hãy gần gũi với Giám mục. Bởi vì trong Giám mục, các con có sự hiệp nhất. Các con không phải là tôi tớ nhưng là những người cộng tác với Giám mục. Cha nhớ có một lần, cách đây rất lâu, một linh mục đã gặp điều không may. Và điều đầu tiên cha nghĩ đến là gọi cho Giám mục. Ngay cả trong những lúc tồi tệ, hãy gọi Giám mục để ở gần ngài. Hãy gần gũi với Chúa trong cầu nguyện, và gần gũi với Giám mục. Mặc dù không thích Giám mục, nhưng Giám mục là cha của các con. Nhưng các con có thể nói Giám mục đối xử với tôi rất tệ! Hãy khiêm tốn, hãy đến với Giám mục”.
Gần gũi với các linh mục khác
Thứ ba là sự gần gũi giữa các con với nhau. Cha đề nghị một điều này: Đừng bao giờ nói xấu một người anh em linh mục. Nếu các con có điều gì đó không thuận với người khác. Hãy đến với người đó và nói trực tiếp. Nếu không biết phải nói thế nào, hãy đến với Giám mục, ngài sẽ giúp các con. Nhưng đừng bao giờ, đừng bao giờ nói xấu. Sự hiệp nhất giữa các con: trong linh mục đoàn, trong các ủy ban, trong công việc: hãy có sự gần gũi giữa các con và với Giám mục”.
Gần gũi với dân Chúa
Và thứ tư đối với cha, sau Chúa, sự gần gũi quan trọng nhất là với dân thánh trung thành của Chúa. Không ai trong các con học để trở thành linh mục. Các con đã nghiên cứu các môn khoa học Giáo hội, điều mà Giáo hội nói phải được thực hiện. Nhưng các con đã được chọn từ dân Chúa, Đừng quên nơi mà từ đó các con đã đến: gia đình, dân tộc các con. Đừng đánh mất ý thức về dân Chúa. Thánh Phaolô nói với Timôthê: Hãy nhớ đến mẹ và bà của con… Và đó là dân của Chúa… Tác giả Thư gửi tín hữu Do Thái nói: Anh em hãy nhớ những người đã giới thiệu đức tin cho anh em. Các con là linh mục của dân, các con không phải giáo sĩ của nhà nước!
Lòng trắc ẩn và dịu dàng
Bốn sự gần gũi của linh mục: gần gũi với Thiên Chúa, gần gũi với giám mục, gần gũi với nhau, gần gũi với dân Chúa. Phong cách gần gũi là phong cách của Thiên Chúa. Nhưng phong cách của Thiên Chúa cũng là phong cách của lòng trắc ẩn và dịu dàng. Đừng đóng cửa trái tim của các con với các vấn đề. Và các con sẽ thấy rất nhiều vấn đề! Khi mọi người đến kể cho các con nghe vấn đề của họ và tìm kiếm sự hỗ trợ… Hãy dành thời gian để lắng nghe và an ủi. Lòng trắc ẩn dẫn các con đến sự tha thứ, lòng thương xót. Xin hãy thương xót, hãy “tha thứ”! Bởi vì Thiên Chúa tha thứ mọi sự, Ngài không bao giờ mệt mỏi tha thứ, chính chúng ta mới mệt mỏi cầu xin sự tha thứ. Sự gần gũi và tình thương. Nhưng một lòng trắc ẩn dịu dàng, với sự dịu dàng của gia đình, của anh em, của người cha… với sự dịu dàng này khiến các con cảm thấy như đang ở trong nhà của Chúa.
Hãy tránh xa phù vân
Hãy tránh xa sự phù vân hư ảo, niềm kiêu hãnh của tiền bạc. Đừng để ma quỷ bước vào túi của các con. Các con hãy sống nghèo, như dân thánh của Chúa. Đừng bao giờ trở thành những viên chức trong Giáo hội. Một khi linh mục thi hành sứ vụ như một viên chức nhà nước, trong giáo xứ, nơi trường học và ở bất cứ nơi đâu, linh mục sẽ mất đi sự gần gũi với mọi người, đánh mất đức khó nghèo là nhân đức làm cho linh mục giống với Chúa Kitô nghèo khó và bị đóng đinh, rồi trở thành doanh nhân, linh mục doanh nhân chứ không phải người phục vụ. Tôi đã nghe một câu chuyện khiến tôi cảm động. Một linh mục rất thông minh, rất thực tế, rất có năng lực, người nắm trong tay trách nhiệm hành chính lớn lao, nhưng tâm hồn của ngài lại quá gắn bó với văn phòng này. Một ngày nọ, ngài thấy một nhân viên của mình, một ông già, đã mắc lỗi nên khiển trách và đuổi việc ông ta. Và ông già này đã chết vì điều đó. Dù được thụ phong linh mục, nhưng cuối cùng vị linh mục này trở thành một doanh nhân tàn nhẫn. Chúng ta luôn thấy những hình ảnh linh mục như vậy!
Các linh mục cần gần gũi với Thiên Chúa, với giám mục, với nhau và với dân Chúa. Linh mục là tôi tớ phục vụ như mục tử chớ không phải như doanh nhân. Hãy tránh xa tiền bạc! Hãy tìm kiếm niềm an ủi nơi Chúa Giêsu, tìm niềm an ủi nơi Đức Maria – đừng quên Mẹ – hãy luôn tìm kiếm niềm an ủi ở đó: hãy được an ủi từ đó. Và hãy trao thánh giá đau khổ của các con vào tay Chúa Giêsu và Đức Trinh Nữ Maria. Và đừng sợ, đừng sợ! Nếu các con gần gũi với Chúa, với vị giám mục, với nhau và với dân Chúa, nếu các con có phong cách của Chúa – gần gũi, nhân hậu và dịu dàng – thì đừng sợ, mọi việc sẽ ổn thôi!
Nguồn: vaticannews.va/vi/
➥ Đức Phanxicô, Huấn dụ ngày 25.04.2021 – Chúa Giêsu bảo vệ, biết và yêu thương mỗi người
Anh chị em thân mến,
Vào Chúa nhật thứ IV Phục sinh này, được gọi là Chúa nhật Chúa Chiên Lành, Tin Mừng (Ga 10:11-18) trình bày Chúa Giêsu là mục tử đích thực, Đấng bảo vệ, biết và yêu thương đàn chiên của mình.
“Người làm thuê”, người không quan tâm đến đàn chiên vì chúng không phải của anh ta, là kẻ đối lập với vị Mục Tử Nhân Lành. Anh ta làm công việc chỉ để được trả lương và không quan tâm đến việc bảo vệ đàn chiên: khi một con sói đến, anh ta bỏ chạy và bỏ rơi đàn chiên (x. câu 12-13). Thay vào đó, Chúa Giêsu, vị mục tử đích thực, luôn bảo vệ chúng ta và cứu chúng ta trong rất nhiều tình huống khó khăn, những tình huống nguy hiểm qua ánh sáng của lời Ngài và sức mạnh của sự hiện diện của Ngài mà chúng ta luôn cảm nghiệm được nếu chúng ta muốn lắng nghe mỗi ngày.
Khía cạnh thứ hai là Chúa Giêsu, Mục Tử Nhân Lành, biết – khía cạnh thứ nhất: bảo vệ; thứ hai: Ngài biết chiên của mình và chiên biết Ngài (c. 14). Thật tốt đẹp và an ủi biết bao khi biết rằng Chúa Giêsu biết từng người một trong chúng ta, chúng ta không xa lạ với Ngài, rằng tên của chúng ta được Ngài biết đến! Đối với Ngài, chúng ta không phải là một “đại chúng”, một “vô số”. Chúng ta là những cá thể độc đáo, mỗi người có câu chuyện của riêng mình, Ngài biết mỗi người chúng ta với câu chuyện của riêng mình, mỗi người có giá trị riêng, vừa là thụ tạo vừa là con người được Chúa Kitô cứu chuộc. Mỗi người chúng ta có thể nói: Chúa Giêsu biết tôi! Đó là sự thật, điều này như là: Ngài biết rõ chúng ta hơn bất kỳ ai biết chúng ta. Chỉ có Ngài mới biết những gì trong lòng chúng ta, những ý định, những cảm xúc thầm kín nhất của chúng ta. Chúa Giêsu biết những ưu điểm cũng như khuyết điểm của chúng ta, và luôn sẵn sàng chăm sóc chúng ta, chữa lành những vết thương do lỗi lầm của chúng ta bằng lòng thương xót dồi dào của Ngài. Nơi Ngài, hình ảnh các vị tiên tri đã cung cấp về vị mục tử của Dân Chúa được thành toàn cách trọn vẹn: Chúa Giêsu quan tâm đến đoàn chiên của mình, Ngài tập hợp chúng lại, Ngài băng bó vết thương cho chúng, Ngài chữa lành bệnh tật cho chúng. Chúng ta có thể đọc điều này trong Sách Tiên tri Ezekiel (x. Ez 34:11-16).
Vì thế, Chúa Giêsu Mục Tử Nhân Lành bảo vệ, biết và trên hết yêu thương đàn chiên của mình. Và đây là lý do tại sao Người hiến mạng sống vì đàn chiên (x. Ga 10,15). Tình yêu dành cho đàn chiên của Người, nghĩa là dành cho mỗi người chúng ta, dẫn đến việc Người chết trên thập giá vì đây là ý muốn của Chúa Cha – không ai bị hư mất. Tình yêu của Đức Kitô không có tính chọn lọc; tình yêu ấy ôm lấy tất cả mọi người. Chính Ngài nhắc nhở chúng ta điều này trong Tin Mừng hôm nay khi Ngài nói: “Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử” (Ga 10,16). Những lời này chứng tỏ mối quan tâm phổ quát của Ngài: Ngài là mục tử của mọi người. Chúa Giêsu muốn mọi người có thể đón nhận tình yêu của Chúa Cha và gặp gỡ Thiên Chúa.
Và Giáo Hội được kêu gọi thực hiện sứ mạng này của Chúa Kitô. Ngoài những người tham gia vào cộng đoàn của chúng ta, còn có rất nhiều người, phần lớn, chỉ tham gia vào những thời điểm cụ thể hoặc không bao giờ. Nhưng điều này không có nghĩa là họ không phải là con cái Thiên Chúa: Chúa Cha phó thác mọi người cho Chúa Giêsu Mục Tử Nhân Lành, Đấng đã hiến mạng sống mình cho mọi người.
Anh chị em thân mến, Chúa Giêsu bảo vệ, biết và yêu thương tất cả chúng ta. Xin Mẹ Maria Rất Thánh giúp chúng ta trở thành những người đầu tiên chào đón và đi theo Vị Mục Tử Nhân Lành, vui vẻ cộng tác vào sứ mạng của Ngài.
Nguồn: WHĐ (25.04.2021)
➥ Đức Phanxicô, Huấn dụ ngày 22.04.2018 – Chúa Giêsu là vị mục tử chữa lành chúng ta
Anh chị em thân mến,
Phụng vụ Chúa Nhật thứ tư mùa Phục Sinh tiếp tục giúp chúng ta tái khám phá ra căn tính của chúng ta là môn đệ của Chúa Phục Sinh. Trong sách Công Vụ các Tông Đồ thánh Phêrô công khai tuyên bố rằng việc chữa lành người què do ngài thực hiện và cả thành Giêrusalem nói tới, đã xảy ra là do nhân danh Chúa Giêsu, bởi vì “không có sự cứu rỗi nơi một ai khác” (4,12). Nơi người được khỏi đó có từng người trong chúng ta – người đó là hình ảnh của chúng ta: chúng ta tất cả đều ở đó – có các cộng đoàn của chúng ta: mỗi người có thể được lành khỏi biết bao nhiêu hình thức tật nguyền tinh thần mà mình có – tham vọng, lười biếng, kiêu căng – nếu chấp nhận đặt cuộc sống mình vào trong tay Chúa Phục Sinh với lòng tin tưởng. “Nhân danh Đức Giêsu Kitô người Nadarét – Phêrô khẳng định – chính nhờ Đấng ấy mà người này được lành mạnh ra đứng trước mặt quý vị” (c. 10). Nhưng ai là Đấng Kitô chữa lành? Được Ngài chữa lành hệ tại điều gì? Ngài chữa chúng ta khỏi cái gì? Và qua các thái độ nào?
Câu trả lời cho các vấn nạn này chúng ta tìm thấy trong Phúc Âm hôm nay, trong đó Chúa Giêsu nói: “Ta là mục tử nhân lành. Mục tử nhân lành trao ban mạng sống mình cho chiên” (Ga 10,11). Việc tự giới thiệu này của Chúa Giêsu không thể bị giản lược thành một gợi ý cảm xúc, không có một hiệu quả cụ thể nào! Chúa Giêsu chữa lành qua sự kiện Ngài là mục tử trao ban sự sống. Khi ban cho chúng ta sự sống của Ngài, Chúa Giêsu nói với từng người: “mạng sống của con có giá trị đối với Cha đến độ để cứu nó Cha cho con tất cả chính Cha”. Chính việc hiến dâng sự sống của Ngài khiến cho Chúa Giêsu trở thành Mục Tử Nhân Lành một cách tuyệt diệu, Đấng chữa lành, Đấng cho phép chúng ta sống một cuộc sống xinh đẹp và phong phú.
Phần thứ hai của trang Phúc Âm nói với chúng ta Chúa Giêsu có thể chữa lành chúng ta và có thể khiến cho cuộc sống chúng ta phong phú với các điều kiện nào: “Ta là mục tử nhân lành – Chúa nói – Ta biết các chiên của Ta và các chiên của Ta biết Ta, như Cha biết Ta và Ta biết Cha” (cc. 14-15). Chúa Giêsu không nói tới một sự hiểu biết trí thức, không, nhưng một tương quan cá nhân, yêu dấu, hiền dịu với nhau, phản ánh chính tương quan thân thiết của tình yêu giữa Ngài và Thiên Chúa Cha. Đó là thái độ, qua đó được hiện thực tương quan sống động và cá nhân với Chúa Giêsu: chúng ta hãy để cho mình được Ngài biết. Đừng đóng kín trong chính mình, hãy rộng mở cho Chúa, vì Ngài biết tôi. Ngài chú ý đến từng người trong chúng ta, biết con tim của chúng ta trong sâu thẳm: Ngài biết các ưu điểm và các khuyết điểm của chúng ta, các dự định mà chúng ta đã thực hiện và các niềm hy vọng đã bị thất vọng. Nhưng Chúa chấp nhận chúng ta như chúng ta là, cả các tội lỗi của chúng ta nữa, để chữa lành chúng ta, để tha thứ cho chúng ta; Ngài hướng dẫn chúng ta với tình yêu thương để chúng ta có thể đi qua cả những con đường quanh co mà không lạc lối. Ngài đồng hành với chúng ta.
Đến lượt mình chúng ta được mời gọi biết Chúa Giêsu. Điều này bao gồm một cuộc gặp gỡ với Chúa, một cuộc gặp gỡ dấy lên ước muốn theo Ngài bằng cách từ bỏ các thái độ tự quy chiếu mình để bước đi trên các con đường mới, do chính Chúa Kitô chỉ cho và rộng mở cho các chân trời rộng rãi. Khi trong các cộng đoàn của chúng ta ước muốn sống tương quan với Chúa Giêsu, lắng nghe tiếng Ngài và trung thành theo Ngài bị nguội lạnh đi, thì không thể tránh được là các kiểu suy nghĩ và sống khác không trung thực với Tin Mừng chiến thắng. Xin Mẹ Maria, Mẹ chúng ta giúp chúng ta làm cho trưởng thành một tương quan luôn ngày càng mạnh mẽ hơn với Chúa Giêsu. Hãy rộng mở cho Chúa Giêsu để Ngài bước vào trong chúng ta. Một tương quan mạnh mẽ hơn: Ngài đã phục sinh. Như thế chúng ta có thể theo Ngài suốt đời. Trong Ngày quốc tế cầu nguyện cho ơn gọi này xin Mẹ Maria bầu cử để có biết bao người quảng đại và kiên trì đáp trả lại lời Chúa mời gọi bỏ mọi sự vì Nước Ngài.
Nguồn: archivioradiovaticana.va
➥ Đức Phanxicô, Huấn dụ ngày 26.04.2015 – Mục tử nhân lành hiến mạng sống vì đoàn chiên
Anh chị em thân mến,
Chúa Nhật thứ tư Mùa Phục Sinh, là Chúa Nhật hôm nay, cũng gọi là “Chúa Nhật Chúa Chiên Lành”, hằng năm mời gọi chúng ta tái khám phá ra, với sự kinh ngạc ngày càng mới mẻ, định nghĩa mà Chúa Giêsu đã tự cho mình, khi đọc nó dưới ánh sáng cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Người. “Mục tử nhân lành hiến mạng sống vì đoàn chiên” (Ga 10,11): các lời này đã được hiện thực một cách tràn đầy, khi Chúa Kitô tự do vâng phục ý muốn của Chúa Cha, đã tự hiến tế mình trên Thập Giá. Khi đó trở thành rõ ràng Người là “mục tử nhân lành” có nghĩa là gì: Người cống hiến sự sống mình như hiến tế cho chúng ta, cho tôi, cho anh, cho chị, cho tất cả chúng ta. Chính vì vậy Người là mục tử nhân lành.
Chúa Kitô là mục tử thật, là Đấng hiện thực mẫu gương cao nhất của tình yêu đối với đoàn chiên: Người tự ý hy sinh mạng sống mình, không ai lấy nó đi được, nhưng Người trao ban nó cho đoàn chiên. Công khai trái ngược với các kẻ chăn giả, Chúa Giêsu tự giới thiện như mục tử thật duy nhất của dân; mục tử gian ác chỉ nghĩ tới mình và khai thác chiên; mục tử nhân lành chỉ nghĩ tới chiên và tự trao ban chính mình.
Khác với kẻ chăn thuê, Chúa Kitô mục tử là một vị hướng dẫn sốt sắng chia sẻ cuộc sống của đoàn chiên, không tìm lợi lộc nào khác, không có tham vọng nào khác ngoài tham vọng dẫn dắt, dưỡng nuôi và che chở chiên. Và tất cả những điều đó Người làm với giá cao nhất, giá của hiến tế chính mạng sống mình.
Trong gương mặt của Chúa Giêsu mục tử nhân lành, chúng ta chiêm ngưỡng sự Quan Phòng của Thiên Chúa, sự ân cần hiền phụ của Người đối với từng người trong chúng ta. Người không để chúng ta cô đơn. Hiệu quả của việc chiêm ngưỡng Chúa Giêsu Mục Tử thật và nhân lành là lời reo vang ngạc nhiên cảm động, mà chúng ta tìm thấy trong bài đọc thứ hai của phụng vụ hôm nay: “Anh em hãy xem Thiên Chúa Cha đã yêu thương chúng ta chừng nào… “ (1 Ga 3,1). Anh chị em hãy coi Thiên Chúa Cha đã yêu thương chúng ta chừng nào!
Thật là một tình yêu gây kinh ngạc và mầu nhiệm, bởi vì khi ban Chúa Giêsu như Mục Tử hiến mạng sống mình cho chúng ta, Thiên Chúa Cha đã cho chúng ta tất cả những gì cao cả và quý báu nhất Ngài có thể ban cho chúng ta! Đó là tình yêu cao cả và tinh tuyền nhất, bởi vì nó không do một sự cần thiết nào, nó không bị điều kiện hóa bởi bất cứ tính toán nào, nó không bị lôi kéo bởi bất cứ ước muốn trao đổi lợi lộc nào. Trước tình yêu đó của Thiên Chúa chúng ta kinh nghiệm được một niềm vui mênh mông và rộng mở cho lòng biết ơn đối với những gì chúng ta đã nhận lãnh một cách nhưng không.
Tuy nhiên, chiêm ngưỡng và cảm tạ thôi không đủ. Cũng cần phải theo Mục Tử Nhân Lành nữa. Đặc biệt là những người có sứ mệnh hướng dẫn trong Giáo Hội – các linh mục, Giám Mục và Giáo Hoàng – được mời gọi nhận lấy không phải tâm thức của người quản trị, nhưng của nguời tôi tớ, noi gương Chúa Giêsu, là Đấng lột bỏ chính mình và đã cứu chuộc chúng ta với lòng thương xót của Người. Cũng được mời gọi có kiểu sống này các tân linh mục của giáo phận Roma mà tôi đã sung sưóng truyền chức cho sáng nay trong Đền Thờ Thánh Phêrô. Và hai vị sẽ ra cửa sổ này để cám ơn và chào anh chị em.
Ước chi Mẹ Maria Rất Thánh xin cho tôi, cho các Giám Mục và các linh mục trên toàn thế giới được ơn phục vụ dân thánh Chúa qua việc tươi vui rao giảng Tin Mừng, sốt sắng cử hành các Bí Tich và kiên nhẫn dịu hiền trong hướng dẫn mục vụ.
Nguồn: archivioradiovaticana.va
➥ Đức Bênêđictô XVI, Bài giảng lễ phong chức linh mục ngày 29.04.2012 – Thầy là mục tử nhân lành
Anh chị em thân mến,
Truyền thống Rôma cử hành lễ truyền chức linh mục vào Chúa nhật thứ tư Phục sinh, Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, chứa đựng rất nhiều ý nghĩa gắn liền với sự hội tụ của Lời Chúa, Nghi thức phụng vụ và Mùa Phục sinh trong đó. Hình ảnh người mục tử nói riêng, rất quan trọng trong Kinh Thánh và đương nhiên rất phù hợp với định nghĩa về linh mục, có được sự thật trọn vẹn và rõ ràng nơi dung nhan Chúa Kitô, dưới ánh sáng Mầu nhiệm cái chết và sự Phục sinh của Người. Các con linh mục thân mến, các con cũng sẽ luôn có thể rút ra được từ những sự phong phú này mỗi ngày trong cuộc sống của mình, và chức linh mục của các con sẽ liên tục được đổi mới. Năm nay đoạn Phúc Âm là đoạn nòng cốt trong chương 10 của thánh Gioan và bắt đầu với lời khẳng định của Chúa Giêsu: “Thầy là mục tử nhân lành”.
Ngay sau đó là đặc tính cơ bản thứ nhất: “Người mục tử nhân lành hiến mạng sống mình vì đoàn chiên” (Ga 10,11). Ở đây chúng ta được dẫn ngay vào trung tâm, tột đỉnh mạc khải của Thiên Chúa như người chăn dắt dân Ngài; trung tâm và tột đỉnh ấy là Chúa Giêsu, chính Chúa Giêsu đã chết trên thập giá và ra khỏi mồ vào ngày thứ ba, Chúa sống lại với trọn nhân tính của Ngài, và qua cách thức đó, Ngài cũng đưa chúng ta, mỗi người chúng ta, vào trong tiến trình của Ngài từ cái chết đến sự sống. Biến cố ấy – là cuộc Vượt qua của Chúa Ktiô – trong đó có thể hiện trọn vẹn và chung kết hoạt động chăn dắt của Thiên Chúa, là một biến cố hy tế: vì thế Vị Mục Tử Nhân Lành và Vị Thượng Tế đồng qui trong con người của Chúa Giêsu Đấng đã hiến mình vì chúng ta”.
Nhưng chúng ta cũng hãy lưu ý vắn tắt hai Bài đọc đầu tiên và Thánh vịnh Đáp ca (Tv 118 [117]). Đoạn sách Công vụ Tông đồ (4:8-12) trình bày cho chúng ta chứng từ của Thánh Phêrô trước những người cai trị dân chúng và các kỳ lão ở Giêrusalem sau khi chữa lành một cách kỳ diệu người què. Thánh Phêrô nói một cách hết sức thẳng thắn: Chúa Giêsu “là hòn đá bị các ông thợ xây loại ra, nhưng lại trở thành đá góc”; và ông nói thêm: “chẳng có sự cứu độ trong đấng nào khác, vì ở dưới trời, chẳng có danh nào khác ban cho loài người để chúng ta phải nhờ đó mà được cứu” (c. 11-12). Sau đó, dưới ánh sáng Mầu Nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô, Thánh Tông Đồ giải thích Thánh Vịnh 118 [117], trong đó người cầu nguyện dâng lời tạ ơn Thiên Chúa, Đấng đã đáp lại tiếng kêu cứu của họ và đã cứu họ. Thánh Vịnh này nói: “Tảng đá bị thợ xây nhà loại bỏ Đã trở nên đá tảng góc tường. Đây là việc Chúa làm; nó thật kỳ diệu trước mắt chúng ta” (Tv 118[117]:22-23). Chúa Giêsu đã sống chính kinh nghiệm này: bị những người lãnh đạo dân Ngài từ chối và được Thiên Chúa phục hồi, đặt làm viên đá nền tảng của một ngôi đền mới, của một dân tộc mới ca ngợi Chúa bằng hoa trái của công lý (x. Mt 21: 42-43). Do đó, Bài đọc thứ nhất và Thánh vịnh đáp ca, cũng là Thánh vịnh 118 [117], gợi lên một cách sống động bối cảnh vượt qua và, với hình ảnh hòn đá bị loại bỏ và được phục hồi, hãy hướng cái nhìn của chúng ta về Chúa Giêsu đã chết và Phục sinh.
Bài đọc thứ hai, từ Thư thứ nhất của Thánh Gioan (3:1-2), nói với chúng ta thay vì kết quả của Cuộc Vượt Qua của Chúa Kitô: việc chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa. Theo lời của Thánh Gioan, anh chị em vẫn có thể nghe thấy sự ngạc nhiên tột độ của thánh nhân trước món quà này; chúng ta không những được gọi là con Thiên Chúa mà “chúng ta còn thật như vậy” (c. 1). Thật vậy, thân phận con thảo của con người là hoa trái của công cuộc cứu độ của Chúa Giêsu. Với việc Nhập Thể, cái chết và sự Phục Sinh của mình, cũng như với hồng ân Chúa Thánh Thần, Người đã đưa con người vào một mối tương quan mới với Thiên Chúa, mối tương quan của chính họ với Chúa Cha. Vì lý do này Chúa Giêsu Phục Sinh đã nói: “Thầy lên cùng Cha Thầy và Cha anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy và là Thiên Chúa của anh em” (Ga 20:17). Đó là một mối tương quan vốn đã hoàn toàn thực tế nhưng chưa hoàn toàn được mạc khải: cuối cùng – nếu Chúa đẹp lòng – chúng ta sẽ nhìn thấy dung nhan Người mà không che mặt (x. câu 7).
Các tiến chức thân mến, đây chính là nơi mà Mục Tử Nhân Lành muốn dẫn dắt chúng ta! Chính ở đây, linh mục được mời gọi dẫn dắt các tín hữu được giao phó cho ngài chăm sóc: đến sự sống đích thực, sự sống dồi dào (x. Ga 10,10). Vì vậy, chúng ta hãy trở lại với Tin Mừng và Dụ ngôn Người Mục Tử Nhân Lành. “Mục Tử Nhân Lành vì đoàn chiên hy sinh mạng sống mình” (Ga 10:11). Chúa Giêsu nhấn mạnh đến đặc tính thiết yếu này của người mục tử chân thực là chính Ngài: đặc tính ‘hiến mạng sống’. Chúa lập lại điều đó ba lần và sau cùng Ngài kết luận: “Chính vì thế, Cha yêu mến Thầy: vì Thầy hiến mạng sống, rồi Thầy lấy lại. Không ai tước đoạt mạng sống của Thầy: chính thầy hiến mạng sống. Thầy có quyền cho đi sự sống và có quyền lấy lại sự sống. Đó là mệnh lệnh mà Thầy đã nhận từ Cha Thầy” (Ga 10,17-18).
Hiển nhiên đó là đặc tính của người mục tử như Chúa Giêsu đích thân giải thích, theo ý Chúa Cha Đấng đã sai Ngài. Hình ảnh vị vua-mục tử chủ yếu bao gồm nghĩa vụ cai quản Dân Chúa, giữ cho dân được đoàn kết và hướng dẫn họ, tất cả chức năng của vị vua như thế được thể hiện hoàn toàn nơi Chúa Giêsu Kitô qua chiều kích hy tế, qua sự dâng hiến mạng sống. Tóm một lời, đó là trong mầu nhiệm Thánh Giá, nghĩa là trong cử chỉ tột cùng khiêm tốn và yêu thương dâng hiến. Viện phụ Teodoro Studita nói: “Nhờ thập giá, chúng ta, là những con chiên của Chúa Ktiô, được tập họp thành một đoàn chiên duy nhất và chúng ta được hướng về nơi vĩnh cửu” (Discorso sull’adorazione della croce: PG 99,699).”
Trong viễn tượng ấy, các công thức của nghi thức truyền chức linh mục chúng ta đang cử hành cũng có chiều hướng như vậy. Chẳng hạn, trong 3 câu hỏi liên quan đến những cam kết của tiến chức, câu cuối cùng có tính chất tột đỉnh và tổng hợp, nói rằng: “Các con có muốn được luôn luôn kết hiệp chặt chẽ với Chúa Kitô Linh mục thượng phẩm, Đấng đã tự hiến cho Chúa Cha như lễ vật tinh tuyền vì chúng ta, thánh hiến các con cho Thiên Chúa cùng với Ngài để cứu độ nhân loại hay không?”. Thực vậy, linh mục là người được tháp nhập một cách đặc biệt vào mầu nhiệm hy tế của Chúa Kitô, qua sự kết hiệp bản thân với Chúa, để kéo dài sứ mạng cứu độ của Ngài. Sự kết hiệp này diễn ra nhờ Bí tích Truyền Chức Thánh, ngày càng phải trở nên chẽ hơn, nhờ sự quảng đại đáp lại của chính linh mục. Vì thế, hỡi các Tiến chức quí mến, lát nữa đây các con sẽ trả lời câu hỏi này và nói: “Thưa có, với sự phù trợ của Chúa, con muốn”.
Sau đó trong các nghi thức bổ túc, lúc xức dầu thánh, vị chủ tế nói: “Xin Chúa Giêsu Kitô, mà Chúa Cha đã thánh hiến trong Thánh Thần và quyền năng, giữ gìn con để thánh hóa dân Chúa và để dâng lễ hy sinh”. Và rồi, khi trao bánh và rượu, ngài nói: “Con hãy nhận lễ vật của dân thánh để dâng hy tế thánh thể. Hãy ý thức điều con sẽ làm, bắt chước điều con cử hành, làm cho cuộc sống của con phù hợp với mầu nhiệm thập giá của Chúa Kitô”. Điều rất hiển nhiên là đối với linh mục, cử hành Thánh Lễ mỗi ngày không có nghĩa là thực hiện một chức năng nghi thức, nhưng là chu toàn một sứ mạng bao gồm trọn vẹn cuộc sống của linh mục một cách sâu xa, trong niềm hiệp thông với Chúa Kitô phục sinh, Đấng tiếp tục thực hiện Hy tế cứu chuộc trong Giáo Hội của Ngài.
Chiều kích Thánh Thể – Hy tế ấy là điều không thể tách rời khỏi chiều kích mục vụ và họp thành một nòng cốt chân lý và sức mạnh cứu độ, và hiệu năng của mọi hoạt động đều tùy thuộc nòng cốt ấy. Dĩ nhiên, chúng ta không nói về hiệu năng trên bình diện tâm lý và xã hội mà thôi, nhưng cả về sự phong phú sinh tử của sự hiện diện Thiên Chúa trên bình nhân bản sâu xa. Việc rao giảng, các hoạt động, những cử chỉ khác nhau mà Giáo Hội thi hành qua nhiều sáng kiến của mình, sẽ mất đi sự phong phú cứu độ nếu thiếu việc cử hành Hy tế của Chúa Kitô. Việc cử hành này được ủy thác cho các linh mục được truyền chức. Thực vậy, linh mục được kêu gọi sống nơi bản thân mình điều mà Chúa Giêsu đã đích thân cảm nghiệm trước tiên, nghĩa là dấn thân trọn vẹn cho việc rao giảng và chữa lành con người khỏi mọi tật bệnh thể xác và tinh thần, rồi sau cùng, tóm gọn tất cả trong cử chỉ tột cùng là “hiến mạng sống” vì con người, cử chỉ này được diễn tả theo thể thức bí tích trong Thánh Thể, là lễ tưởng niệm đời đời cuộc Vượt Qua của Chúa Giêsu. Chỉ qua “cánh cửa” Hy tế vượt qua ấy, con người nam nữ thuộc mọi thời đại và mọi nơi mới có thể bước vào sự sống đời đời; chỉ qua “con đường thánh” ấy, họ mới có thể thực hiện một cuộc xuất hành, dẫn họ vào “đất hứa” của tự do chân thực, đến “đồng cỏ xanh tươi” của an vui vô tận (Xc Ga 10,7.9; Tv 77,14.20-21; Tv 23,2).
Các Tiến chức thân mến, ước gì Lời này của Chúa soi sáng trọn cuộc sống của các con. Và khi gánh nặng của thập giá trở nên nặng nề hơn, các con hãy biết rằng đó là giờ quí giá nhất đối với các con và những người được ủy thác cho các con: với lòng tin yêu, khi lập lại lời “thưa có, với ơn phù trợ của Chúa, con muốn”, các con cộng tác với Chúa Kitô, Linh Mục Thượng Phẩm và Mục Tử nhân lành, vào việc chăn dắt các chiên của Chúa, có khi là con chiên duy nhất bị lạc, nhưng trên trời sẽ rất vui mừng vì con chiên lạc ấy! Xin Đức Trinh Nữ Maria, là Phần rỗi của dân Roma, luôn canh chừng trên mỗi người các con và trên hành trình của các con.
Nguồn: archivioradiovaticana.va