GPVO – Dưới đây là lược dịch bài thuyết trình của Đức cha Robert Barron tại Đại hội Thánh Thể toàn quốc Hoa Kỳ lần thứ X, Indianapolis ngày 20 tháng 7 năm 2024. Dịch giả Phaolô Phạm Xuân Khôi mạn phép bỏ bớt những tiểu tiết và chia bài thành những tiểu đề để được rõ ràng hơn.
Cảm ơn, và xin nguyện xin Thiên Chúa ban phúc lành cho tất cả mọi người,
Đây quả là một cảnh tượng tuyệt vời và là một ngày đáng chú ý. Trong 38 năm làm Linh mục, hôm nay là một trong những thời khắc cao điểm trong đời Linh mục của tôi. Khi chứng kiến đoàn rước kiệu Thánh Thể, sự nhiệt thành và lòng sùng kính sâu đậm của mọi người ở đây, làm sao người ta có thể phủ nhận sự hiện diện của Chúa Thánh Thần giữa chúng ta? Chúa Thánh Thần thực sự đang tác động trong cuộc tụ họp này và thật vinh dự cho tôi khi được nói chuyện với các bạn tối nay.
Một cuộc gặp gỡ bất ngờ
Khi tôi nhìn thứ tự các thuyết trình viên tối nay và nhận ra Jonathan Roumi ở hậu trường, tôi nghĩ, “Tuyệt vời, tôi được nói ngay sau Chúa Giêsu!”
Lần đầu tiên tôi gặp Jonathan khi tôi còn là Giám mục ở California. Anh đã đến thăm nhà tôi vài lần và chúng tôi khám phá ra rằng cả hai chúng tôi đều thích gia đình Simpson. Một buổi tối, khi Jonathan nhái biểu diễn nhiều giọng nói khác nhau của gia đình Simpson trên hiên sau của nhà tôi, tôi đã nghĩ, “Đây là giọng nói của Homer Simpson phát ra từ khuôn mặt của Chúa Giêsu.” Đó là giây phút siêu thực và hài hước, một trong nhiều khúc quanh bất ngờ trong cuộc sống.
Mệnh lệnh chúng ta đã tuân theo
Nhà hộ giáo Công giáo vĩ đại người Anh, Cha Ronald Knox, đã từng nói một điều mà tôi vẫn nhớ mãi. Ngài ghi nhận rằng hầu hết các mệnh lệnh của Chúa Giêsu đều bị coi thường, hoặc nhất là, được tôn trọng khi vi phạm. Các mệnh lệnh như yêu kẻ thù, chúc lành cho những ai nguyền rủa bạn và đừng xét đoán người khác thường bị bỏ qua. Tuy nhiên, có một mệnh lệnh của Chúa Giêsu mà chúng ta luôn tuân theo: “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Bất chấp những thất bại, tội lỗi và thiếu sót của mình, chúng ta đã hiểu một cách sâu xa về sự cần thiết của Bí tích Thánh Thể.
Sự hiện diện thật của Đức Kitô
Chúa Giêsu đã nói: “Này là Mình Thầy” và “Này là Máu Thầy”. Vì Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, Ánh sáng bởi Ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, nên Lời của Người có ý nghĩa sâu xa. Điều này hình thành nên thần học cơ bản về sự hiện diện thật, nền tảng của lý do tại sao chúng ta ở đây. Nhưng hãy tập trung vào những Lời mà chúng ta có thể chưa chú ý đủ: “bị nộp vì các con” và “đổ ra cho các con”. Thánh Thể không chỉ là Mình và Máu của Chúa Giêsu hiện diện một cách khách quan. Đó là Mình của Người được ban tặng và Máu của Người được đổ ra. Khi chúng ăn uống Thánh Thể, chúng ta được mời gọi trở nên những gì chúng ta ăn — một thân thể được ban tặng và máu được đổ ra cho người khác.
Mục đích thực sự của Kitô giáo
Kitô giáo của bạn không chỉ dành cho riêng cho bạn. Đây không phải là một chương trình tự giúp mình được thiết kế để giúp bạn cảm thấy tốt hơn về chính mình. Kitô giáo là dành cho thế gian. Chúa Giêsu đã nói, “Các con là ánh sáng thế gian”, nếu đặt ánh sáng ở dưới đáy thùng thì chẳng ích gì. “Các con là muối đất”, mục đích là để làm cho những gì là tốt được tốt hơn và tiêu diệt những gì là xấu trên thế gian này. Kitô giáo của chúng ta không chỉ dành riêng cho mình; chúng ta ăn Mình và uống Máu Chúa Giêsu, là những gì được ban cho thế gian.
Đức Thánh Cha Phanxicô nói về một Hội Thánh ra khỏi chính mình. Phải, Thánh Thể không phải là vật sở hữu riêng tư nhỏ bé của chúng ta. Thánh Thể giúp chúng ta trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, Đấng đã ban Mình và Máu của Người cho thế gian. Hiến Chế Lumen Gentium của Công đồng Vaticanô II nói rằng chúng ta là Ánh Sáng Muôn Dân. Đây là bản chất của sứ vụ Hội Thánh—ra khỏi chính mình mà đi ra khắp thế gian và trở thành ánh sáng của Đức Kitô cho mọi dân tộc.
Sức mạnh của giáo dân
Hãy nghĩ đến điều này: có khoảng 70 triệu người Công giáo ở Hoa Kỳ, gần một phần tư dân số. Hãy tưởng tượng nếu kể từ tối nay, tất cả 70 triệu người Công giáo bắt đầu sống đức tin của họ một cách triệt để và mãnh liệt, trở thành Mình được ban tặng và Máu được đổ ra. Chúng ta sẽ biến đổi đất nước của mình. Công đồng Vaticanô II nhấn mạnh đến các quyền lợi và đặc quyền của giáo dân, vượt qua chủ nghĩa giáo sĩ trị và mời gọi giáo dân tham gia vào sứ vụ của Hội Thánh. Nhưng bên cạnh các quyền lợi và đặc quyền này là một nghĩa vụ sâu xa. Công đồng Vaticanô II hình dung ra những luật sư, chính trị gia, nhà văn, nhà báo, phụ huynh và nhà giáo Công giáo vĩ đại—những người Công giáo mang đức tin của mình vào mọi khía cạnh của cuộc sống trần thế.
Sống theo lời khuyên Phúc âm
Bà Dorothy Day, một người hùng lâu năm của tôi, đã than phiền về một nền linh đạo hai tầng trong Hội Thánh. Một tầng dành cho các giáo dân, nghĩa là tuân giữ các điều răn cơ bản, và một tầng dành cho các giáo sĩ và tu sĩ, bao gồm các lời khuyên Phúc Âm về sống khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục. Bà Day đã bác bỏ sự phân biệt này. Bà tin rằng tất cả các Kitô hữu, bao gồm cả giáo dân, đều được mời gọi nên thánh một cách anh hùng. Điều này có nghĩa là sống khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục trong hoàn cảnh riêng của mỗi người.
Khó nghèo: không quyến luyến của cải thế gian
Giáo dân không được mời gọi sống khó nghèo như một tu sĩ dòng Phanxicô, nhưng họ được mời gọi sống tinh thần từ bỏ. Chúa Giêsu đã nói: “Tiên vàn hãy tìm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài, còn tất cả những điều khác, Ngài cũng sẽ ban thêm cho.” Thánh Augustinô đã lặp lại điều này, ngài khuyên chúng ta “Hãy yêu mến Thiên Chúa trước, và yêu mọi sự khác vì Thiên Chúa”. Sống từ bỏ có nghĩa là không bị ám ảnh bởi sự giàu có, thú vui, danh vọng và quyền lực – những thứ ràng buộc chúng ta vào vòng luẩn quẩn không ngừng của số phận. Thay vào đó, hãy sống ở trung tâm, nơi Đức Kitô ngự trị, không màng cải thế gian, để ân sủng chảy qua chúng ta.
Trong sạch: sự ngay thẳng trong tình dục
Trong sạch là sống đời sống tình dục một cách có trách nhiệm về luân lý và tâm linh. Nghĩa là đặt tình dục của chúng ta dưới sự bao bọc của tình yêu, muốn điều tốt đẹp cho người khác. Giáo lý của Hội Thánh về tình dục nhằm đảm bảo rằng đời sống tình dục của chúng ta không hướng về mình để thỏa mãn tính ích kỷ nhưng là những hành động của tình yêu. Nếu chúng ta sống theo đức trong sạch, chúng ta sẽ thấy tình trạng phá thai, lạm dụng tình dục, khiêu dâm và coi thường cá nhân giảm xuống một cách đáng kể. Xã hội của chúng ta sẽ được biến đổi.
Vâng lời: lắng nghe tiếng nói chân chính
Vâng lời, có lẽ là lời khuyên khó nhất. Vâng lời có nghĩa là lắng nghe tiếng nói đúng hay chân chính giữa nhiều tiếng nói cạnh tranh nhau trong nền văn hóa của chúng ta. Abraham, Môsê, Phêrô và Phaolô—tất cả đều lắng nghe và tuân theo tiếng nói cao hơn của Thiên Chúa. Ngày nay, chúng ta đang bị tấn công bởi những thông điệp về sự giàu có, khoái lạc, quyền lực và danh vọng. Vâng lời thực sự có nghĩa là lắng nghe tiếng nói của Thiên Chúa, tiếng nói kêu gọi chúng ta đến với sự công chính, sự tốt lành và mục đích của Thiên Chúa. Đây là liều thuốc giải độc cho nền văn hóa tự sáng tạo đang lan tràn trong xã hội của chúng ta.
Kết luận: trở thành ánh sáng thế gian
Cực điểm của Sách Khải Huyền, thành Giêrusalem trên trời, được mô tả như một thành không có Đền Thờ vì toàn thể thành phố trở thành một Đền Thờ. Điều này tượng trưng cho một thế giới mà mọi khía cạnh của đời sống đều hướng đến việc ca ngợi Thiên Chúa. Đây là sứ vụ của chúng ta, biến thế giới trần tục này thành tám gương phản chiếu vinh quang của Thiên Chúa. Việc Phục hưng Thánh Thể này sẽ thành công nếu chúng ta đi ra và thay đổi xã hội của mình, mang ánh sáng của Đức Kitô đến mọi ngóc ngách của thế gian. Như Thánh Catarina thành Siena đã nói, “Hãy trở thành con người mà Chúa muốn bạn trở thành, và bạn sẽ đốt cháy thế gian”. Nguyện xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả các bạn.