Ban Mục vụ Bệnh nhân: Lời mời gọi sẻ chia với bệnh nhân nghèo chạy thận tại thành phố Vinh

Bạn làm gì khi có người nhà đau ốm!

Dù bối rối, buồn bã nhưng bạn cũng tìm mọi cách để chạy chữa, thậm chí khi biết chắc rằng cơ hội được chữa khỏi là rất ít. Trong hy vọng, người ta vẫn thường nói: “còn nước còn tát”. Câu nói đó là để động viên, an ủi người nhà nhưng đó cũng là khát khao, ước muốn mong manh của người bệnh. Vâng, quả thực, chỉ những ai đã trải qua bạo bệnh, chỉ những người gần gũi với bệnh nhân trong lúc nguy nan mới thấu hiểu được điều đó.

Khi đã có người thân rơi vào bạo bệnh, thông thường người ta phải lo toan tư bề. Ngoài việc cố gắng đen lại bình an, sức khỏe cho người bệnh, họ còn phải xoay xở tiền bạc để lo liệu thuốc men và viện phí. Nhưng sẽ như thế nào nếu căn bệnh đó kéo dài, thậm chí phải nằm viện suốt cả cuộc đời? Có nhiều người vì uất ức mà tuyệt vọng, thậm chí muốn tìm đến cái chết để từ bỏ gánh nặng cuộc đời.

Bệnh suy thận mãn tính là một căn bệnh ăn mòn cả thể xác lẫn tinh thần người bệnh cho đến chết và đau đớn hơn, họ phải gắn liền với bệnh viện nội trú hoặc phải thuê trọ gần đó. Cuộc đời họ giống như phải hao mòn bên những chiếc máy lọc. Người thân của họ thông thường là những người cùng ca chạy và bệnh nhân cùng thuê trọ. Đó là chúng ta chưa nói đến những người phải sống trong cảnh cô đơn, xa nhà triền miên; những người không có ai bên cạnh để động viên, hỗ trợ. Chúng tôi đã bắt gặp nhiều trường hợp thật cô quạnh trong những căn nhà trọ xụp xụp giá rẻ.

………………..

Trong điều kiện nghèo nàn của y học, cũng như sự thiếu hụt về an sinh xã hội của Việt nam thì việc điều trị ở địa phương là không thể. Đó chính là lý do tại sao trong các trung tâm thành phố luôn tồn tại những khu nhà trọ của bệnh nhân chạy thận và tất nhiên, thành phố Vinh cũng không phải là ngoại lệ. Hiện nay, trên địa bàn thành phố, có ít nhất 4 nơi tập trung bệnh nhân với số lượng lớn là bệnh viện 115; bệnh viện Thành phố (còn gọi là bệnh viện Giao Thông cũ); bệnh viện Quân Y IV và bệnh viện Y học thành phố Vinh. Hầu hết trong số họ là những người nghèo khó từ vùng sâu, vùng xa. Họ phải gắn liền cuộc đời của mình trong bệnh viện hoặc xung quanh bệnh viện trong cảnh thiếu thốn và tuyệt vọng…. Với căn phòng trọ không quá 10 mét vuông, họ phải chống chọi với nắng nóng của mùa hè; phải trú mưa, trốn lụt trong mùa lũ.

……………………

Khi bạn nhìn thấy, những con người lầm lũi với cánh tay bầm tím, đầy thương tích men theo các con ngõ chật hẹp, với vẻ mặt buồn rầu, đó chính là những người vừa trải qua quá trình lọc máu từ bệnh viện trở về.

Có lẽ chỉ những ai tiếp xúc với họ, đặc biệt là với những người nghèo khổ với hàng lệ chảy dài, chúng ta mới thấu hiểu được cảm giác bất lực đến cùng cực của những người này. Chúng tôi, những người làm mục vụ bệnh nhân, trong khi thăm viếng, cử hành các bí tích, không ít lần chúng tôi bắt gặp những con người bên bờ vực đen tối của cuộc đời. Vâng, họ là những bệnh nhân thận không người chăm sóc, không nơi nương tựa.

…………………….

Với họ, một ký gạo cũng là nhiều, vài chục ngàn bạc lẻ cũng là niềm vui, được cầm nắm cái quạt, bếp ga cũng mang đến sự mãn nguyện. Có thể họ không dùng bữa đúng giờ và họ cũng chẳng mấy khi được ăn uống thỏa thích vì chế độ riêng nhưng một bữa ăn thiện nguyện đơn sơ cũng làm họ hạnh phúc lắm rồi.

…………………………….

Con người chúng ta luôn có xu hướng muốn nhiều hơn những gì chúng ta cần. Chúng ta ít khi hài lòng với điều mình có, chúng ta thường than phiền vì hoàn cảnh hiện tại. Nhưng có lẽ nếu chúng ta được đối diện với những bệnh nhân này chúng ta mới biết trân trọng những gì chúng ta đang có.

Hãy vui và chia sẻ hạnh phúc mà bạn đang có, hãy gìn giữ tài sản lớn nhất của con người, cái mà bạn đang có thừa, đó là sức khỏe. Và nếu bạn cảm thấy mình có thể làm được điều gì đó cho những con người bất hạnh này thì hãy liên lạc với chúng tôi :

Ban Mục vụ Bệnh nhân Giáo phận Vinh
Email : mvbenhnhanmail.com – (+84) 918537115 hoặc (+(84) 967994983