Cẩm nang học hỏi về Năm Thánh 2025 – Phần II: Năm Thánh thường lệ 2025 [tiếp theo]

PHẦN II: NĂM THÁNH THƯỜNG LỆ 2025

V. SỐNG TINH THẦN NĂM THÁNH

Câu 116. Những ai được mời gọi sống Năm Thánh?

Đáp: Toàn thể Giáo Hội được mời gọi sống Năm Thánh một cách tích cực, sống động, thánh thiện và cụ thể trong đời sống của các cá nhân, gia đình, cộng đoàn dòng tu, giáo xứ và giáo hội địa phương.

Câu 117. Để sống Năm Thánh hiệu quả, đâu là điều mà con cái Giáo Hội cần thực hiện trước hết?

Đáp: Hết thảy mọi tín hữu Công Giáo cần ý thức rằng mình thuộc về Giáo Hội và là những chi thể sống động của Thân Thể Đức Kitô. Điều này sẽ giúp các Kitô hữu sẵn sàng tham gia và đóng góp phần mình cách tích cực, để cử hành một Năm Thánh sốt sắng và trổ sinh nhiều hoa trái thiêng liêng.

Câu 118. Việc tìm hiểu về Năm Thánh có cần thiết không?

Đáp: Việc tìm hiểu về Năm Thánh là điều hết sức quan trọng và cần thiết. Vì đây là cơ hội giúp chúng ta hiểu rõ hơn lịch sử, ý nghĩa và mục đích của Năm Thánh, để từ đó có thể sống Năm Thánh một cách hiệu quả, sinh nhiều ơn ích cho bản thân và cho Giáo Hội.

Câu 119. Các hoạt động nào cần được lưu tâm cách đặc biệt trong Năm Thánh?

Đáp: Ba hoạt động chính yếu sau đây giúp con cái Giáo Hội sống Năm Thánh hiệu quả:

–           Cử hành Bí tích Thánh Thể;

–           Cử hành Bí tích Hoà Giải (nhất là cử hành lòng thương xót và sám hối);

–           Thực thi đức công bằng và bác ái.

Ba hoạt động này cần được xúc tiến từ mỗi cá nhân, từ trong gia đình, giáo xứ cũng như Giáo phận.

Câu 120. Vai trò của Bí tích Thánh Thể trong Năm Thánh là gì?

Đáp: Cử hành Bí tích Thánh Thể đóng vai trò trung tâm trong Năm Thánh. Đây là bí tích cao trọng nhất vì nó không những thông truyền ân sủng mà còn trao ban chính tác giả của mọi ân sủng. Nhờ Bí tích Thánh Thể, các Kitô hữu – “những người hành hương của niềm hy vọng” – được kín múc nguồn mạch sức mạnh thiêng liêng để sống đức tin. Đồng thời, phụng vụ Thánh Thể cũng là nơi chốn ưu việt để sống mối hiệp thông với Thiên Chúa và cộng đoàn Giáo Hội. Quả thực, “Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch và chóp đỉnh của toàn bộ đời sống Kitô hữu” (LG, 11).

Câu 121. Cử hành Bí tích Thánh Thể tại các nhà thờ giáo xứ, giáo họ, giáo điểm trong Năm Thánh như thế nào?

Đáp: Cử hành thánh lễ, nhất là thánh lễ Chúa Nhật, là trung tâm của đời sống phụng vụ tại một giáo xứ, giáo họ hay giáo điểm. Đây là nơi chốn để mọi tín hữu củng cố niềm tin, hun đúc niềm trông cậy (hy vọng) và vun trồng đức mến. Trong Năm Thánh Hy Vọng, các tín hữu cần tích cực tham dự thánh lễ chuyên cần hơn. Cũng thật ý nghĩa và hữu ích nếu như mọi chia sẻ và giảng dạy Lời Chúa trong các thánh lễ nhắm đến việc làm lớn mạnh niềm trông cậy Chúa nơi các tín hữu và giúp họ trở nên những người gieo niềm trông cậy (hy vọng).

Câu 122. Cử hành Bí tích Thánh Thể tại các địa điểm hành hương Năm Thánh như thế nào?

Đáp: Việc cử hành Bí tích Thánh Thể tại những địa điểm hành hương là điều hết sức quan trọng và ý nghĩa. Vì thế, mỗi địa điểm hành hương, cần phải có một ban tổ chức đón tiếp các đoàn hành hương vào những dịp đã định. Ban này có nhiệm vụ chăm lo cho bầu khí nơi hành hương được tĩnh lặng, trang nghiêm và linh thiêng, đồng thời sắp xếp bố trí để các thánh lễ được diễn ra sốt sắng, trong trật tự và không chồng chéo.

Câu 123. Bí tích Hoà Giải có ý nghĩa gì trong Năm Thánh?

Đáp: Cùng với Bí tích Thánh Thể, Bí tích Hoà Giải là một cử hành phụng vụ tối cần trong những dịp hành hương nói chung và nhất là để sống Năm Thánh cách hiệu quả. Nhờ bí tích này, các tín hữu đón nhận được ơn tha thứ của Thiên Chúa, giúp họ đổi mới cuộc sống và bắt đầu một hành trình mới trong đức tin. Bên cạnh đó, Bí tích Hoà Giải cũng giúp các Kitô hữu mở lòng để tha thứ những lỗi lầm cho người khác, và chữa lành những vết thương trong các mối quan hệ. Tóm lại, Bí tích Hòa Giải không chỉ là một ân huệ thiêng liêng tuyệt diệu mà còn là một bước quyết định, thiết yếu và không thể thiếu trên hành trình đức tin của mỗi người (x. SCNT, 23).

Câu 124. Tại sao thực thi lòng thương xót là một trong những yếu tố trọng tâm của Năm Thánh?

Đáp: Lòng thương xót là trọng tâm vì phản ánh tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa, Đấng luôn yêu thương, tha thứ và mời gọi chúng ta sống theo gương Chúa Giêsu qua các hành động thương xót với tha nhân. Vì thế, Mẹ Giáo Hội trong Năm Thánh này cần giúp con cái khám phá tình yêu thương xót Chúa, tin yêu và phó thác hơn vào Đức Giêsu – dung mạo của lòng thương xót Chúa, để từ đó họ cũng có thể trở nên hiện thân của lòng thương xót Chúa trong cuộc sống đời thường.

Câu 125. Làm thế nào để cử hành và rao giảng lòng thương xót Chúa?

Đáp: Trong Năm Thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục đặt các vị thừa sai lòng thương xót để họ hoàn thành một sứ vụ quan trọng là khôi phục niềm hy vọng và ban ơn tha thứ mỗi khi có tội nhân ăn năn sám hối đến gặp họ. Ngài mong sao những nhà thừa sai lòng thương xót tiếp tục là công cụ hòa giải và giúp chúng ta nhìn về tương lai với niềm hy vọng tha thiết phát xuất từ lòng thương xót của Chúa Cha. Ngài cũng mong rằng các giám mục sẽ tận dụng được sự phục vụ quý báu của họ, đặc biệt bằng cách gửi họ đến những nơi mà niềm hy vọng bị thử thách nghiêm trọng, chẳng hạn như nhà tù, bệnh viện và những nơi mà phẩm giá con người bị xâm phạm, trong các hoàn cảnh thiếu thốn và tuyệt vọng nhất, để ai cũng có cơ hội đón nhận ơn tha thứ và an ủi của Thiên Chúa (x. SCNT, 23).

Câu 126. Cách thức cử hành Bí tích Hoà Giải tại các nhà thờ giáo xứ?

Đáp: Tại các nhà thờ giáo xứ cần bố trí các tòa giải tội. Các linh mục thừa tác được mời gọi hãy tích cực trao ban Bí tích Hoà Giải cho giáo dân. Các vị cũng cần tổ chức những buổi cắt nghĩa, nhiều giờ tĩnh tâm giúp các tín hữu dọn mình kĩ càng và sốt mến để lãnh nhận bí tích này một cách hiệu quả.

Câu 127. Cử hành Bí tích Hoà Giải tại các địa điểm hành hương Năm Thánh như thế nào?

Đáp: Tại các trung tâm hành hương, cần bố trí các tòa giải tội và có các thừa tác viên túc trực, nhất là vào những ngày tiếp đón các đoàn hành hương theo lịch trình. Ngoài ra, nên chăng cũng cần có những “bàn đồng hành và lắng nghe”, dành cho những khách hành hương muốn chia sẻ vui buồn hay giải trình những khúc mắc.

Câu 128. Việc thực thi bác ái có tầm quan trọng như thế nào trong Năm Thánh?

Đáp: Cầu nguyện, ăn chay và thực thi bác ái là ba thực hành đạo đức không thể thiếu trong đời sống đức tin của toàn thể Giáo Hội. Trong những thực hành này, thực thi bác ái là biểu hiện sống động của lòng thương xót, là hành động cụ thể để bày tỏ tình yêu thương liên đới với tha nhân, đặc biệt là với những người nghèo, người đau khổ và người bị bỏ rơi.

Câu 129. Người nghèo, người bất hạnh, người già nua và người bệnh tật…: họ ở đâu?

Đáp: Họ là những người ở quanh ta: họ ở ngay trong gia đình, trong làng xóm, trong giáo xứ và trong mọi vùng “ngoại vi” của cõi nhân sinh (x. EG, 20). Người tín hữu được mời gọi sống tình bác ái yêu thương bằng cung cách hiện diện, bằng lời nói và nhất là hành động. Đó là cách thức để trong Năm Thánh này, lời của Đức Giêsu trong dụ ngôn về cuộc phán xét cuối cùng lại vang vọng trong tâm hồn chúng ta: “Ta là khách lạ, các con đã tiếp đón Ta”, vì “điều các con đã làm cho một trong những người anh em hèn mọn nhất của Ta là các con đã làm cho chính Ta” (Mt 25,35.40).

Câu 130. Trong Năm Thánh, Giáo hội thực thi công bình và bác ái cách cụ thể như thế nào?

Đáp: Trong Năm Thánh, các tín hữu được mời gọi sống tinh thần công bình và bác ái cách cụ thể:

–           Lên tiếng bảo vệ cho công lý, tôn trọng nhân phẩm và nhân quyền, kêu gọi bãi bỏ án tử hình, viếng thăm các tù nhân …(x. SCNT, 10);

–           Xoa dịu những đau khổ cho những bệnh nhân tại gia đình hay ở bệnh viện bằng cách thăm nom trong tình yêu thương và sự gần gũi, qua sự chia sẻ và giúp đỡ về tinh thần cũng như vật chất (x. SCNT, 11);

–           Làm gương sáng cho giới trẻ; biết để tâm, đồng hành và định hướng cho họ; tránh tạo áp lực hay quá áp đặt lên họ…(x. SCNT, 12);

–           Mở rộng vòng tay đón tiếp những người di dân vì phẩm giá của họ (cho chỗ lưu trọ), tạo cơ hội để họ được sống đúng nhân phẩm và xây dựng tương lai mới tốt đẹp (giải quyết vấn đề công việc), giúp họ hoà nhập vào xã hội mới (tham gia các sinh hoạt đạo đời) – (x. SCNT,13);

–           Có trách nhiệm với những người cao tuổi, tỏ lòng yêu thương và kính trọng họ bằng sự hiện diện gẫn gũi, dấn thân giúp đỡ và động viên khích lệ họ với tất cả lòng biết ơn (x. SCNT, 14).

VI. ÂN XÁ TRONG NĂM THÁNH

Câu 131. Ân xá là gì?

Đáp: “Ân xá là ơn xoá bỏ các hình phạt tạm thời tội nhân còn phải chịu sau khi tội đã được tha” (TĐCG, tr 30). “Với quyền ban ân xá, Giáo Hội tha một phần (tiểu xá) hoặc tha toàn phần (đại xá) hình phạt tạm mà đáng lẽ hối nhân phải chịu dù đã được tha tội” (Sđd, tr. 31).

Câu 132. Do đâu Giáo Hội có quyền ban ân xá?

Đáp: “Với tư cách là trung gian phân phát ơn cứu chuộc do Đức Kitô mang lại, Giáo Hội dùng quyền cầm buộc và tháo cởi mà Chúa Kitô đã trao phó để ban phát ân xá cho những Kitô hữu thực lòng sám hối và thực hành một số điều kiện nhất định (Sđd, tr. 30).

Câu 133. Ý nghĩa việc áp dụng ân xá có gì thay đổi theo dòng thời gian?

Đáp: “Ở những thế kỷ đầu, ân xá mang ý nghĩa pháp lý và chỉ sự hoà giải với Giáo Hội, dành cho các Kitô hữu đã chối đạo được tháp nhập lại vào cộng đoàn Giáo Hội. Sau này, ân xá được dùng để chỉ việc tha xoá hình phạt tạm của tội lỗi nhờ vào kho tàng công phúc của Chúa Kitô và các thánh” (Sđd, tr. 31).

Câu 134. Ân xá giúp ta nhận ra điều gì?

Đáp: “Ân xá giúp chúng ta khám phá lòng thương xót vô hạn của Thiên Chúa. Không phải ngẫu nhiên mà vào thời xưa, thuật ngữ “lòng thương xót” và thuật ngữ “ân xá” có thể dùng thay thế cho nhau, chính xác bởi vì thuật ngữ này có ý diễn tả sự tha thứ trọn vẹn của Thiên Chúa, một sự tha thứ không giới hạn” (SC, 23).

Câu 135. Ân xá trong Năm Thánh 2025 được ban như thế nào?

Đáp: Ngày 13 tháng 5 năm 2024, Tòa Ân giải Tối cao đã công bố các quy luật ban ân xá trong Năm Thánh 2025. Theo đó, “Tất cả các tín hữu thực sự sám hối, loại trừ mọi ham muốn tội lỗi (x. Enchiridion Indulgentiarum, IV ed., Norm. 20, §1) và được thúc đẩy bởi tinh thần bác ái và, trong Năm Thánh, đã được thanh tẩy nhờ Bí tích Sám hối và được Rước lễ, cầu nguyện theo ý của Đức Thánh Cha, từ kho tàng của Giáo Hội, họ sẽ có thể nhận được ơn toàn xá, sự giải thoát và tha thứ tội lỗi của mình; những điều này có thể được áp dụng cho các linh hồn trong Luyện ngục dưới hình thức cầu bầu”.

Câu 136. Các tín hữu hành hương có được hưởng ân xá không?

Đáp: “Các tín hữu, những người hành hương của niềm hy vọng, sẽ có thể nhận được ân xá Năm Thánh do Đức Thánh Cha ban nếu họ thực hiện một cuộc hành hương đạo đức đến bất kỳ địa điểm thánh nào của Năm Thánh: ở đó bằng cách sốt sắng tham dự Thánh lễ (bất cứ khi nào các quy tắc phụng vụ cho phép, trên hết là Thánh lễ dành riêng cho Năm Thánh hoặc Thánh lễ ngoại lịch: cho sự hòa giải, cho sự tha tội, cho việc cầu xin nhân đức bác ái và sự hòa hợp giữa các dân tộc); trong một Thánh lễ nghi thức để ban các bí tích khai tâm Kitô giáo hoặc Xức dầu bệnh nhân; trong việc cử hành Lời Chúa; trong Giờ Kinh Phụng vụ (kinh sách, kinh sáng, kinh chiều); trong buổi ngắm Đàng Thánh Giá; trong Kinh Mân Côi; trong buổi thánh ca Akathistos; trong việc cử hành sám hối, kết thúc bằng việc xưng tội cá nhân của hối nhân, như được thiết lập trong nghi thức Sám hối (Mẫu II)”.

Câu 137. Những cuộc viếng thăm đạo đức đến những nơi thánh có được hưởng ân xá không?

Đáp: “Tương tự như vậy, các tín hữu sẽ có thể nhận được ân xá nếu, cá nhân hoặc theo nhóm, sốt sắng đến viếng bất kỳ địa điểm Năm Thánh nào và ở đó, trong một khoảng thời gian thích hợp, thực hành việc tôn thờ và suy niệm Thánh Thể, kết thúc bằng Kinh Lạy Cha, Tuyên xưng Đức Tin dưới bất kỳ hình thức hợp pháp nào và những lời cầu khẩn lên Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, để trong Năm Thánh này mọi người “sẽ có thể cảm nghiệm được sự gần gũi trìu mến nhất của những người mẹ, những người không bao giờ bỏ rơi con cái của mình” (SCNT, 24).

Câu 138. Những người không thể tham gia trực tiếp có thể hưởng ân xá không?

Đáp: “Những tín hữu thực sự sám hối, nhưng không thể tham gia vào các buổi cử hành long trọng, các cuộc hành hương và các cuộc viếng thăm đạo đức vì những lý do nghiêm trọng (như trước hết là các đan sĩ ẩn tu, người bệnh, người bị giam giữ, cũng như những người phục vụ liên tục cho người bệnh trong các bệnh viện hoặc những nơi chăm sóc khác), sẽ nhận được Ân xá Năm Thánh, với cùng những điều kiện nếu, hiệp nhất thiêng liêng với các tín hữu hiện diện, đặc biệt trong những thời điểm những lời của Đức Giáo Hoàng hoặc Các Giám mục giáo phận được truyền tải qua các phương tiện truyền thông; tại nhà của họ hoặc ở bất cứ nơi nào mà họ buộc phải hiện diện (ví dụ: trong nhà nguyện của đan viện, bệnh viện, viện dưỡng lão, nhà tù…), họ sẽ đọc Kinh Lạy Cha, tuyên xưng đức tin dưới bất kỳ công thức hợp pháp nào và những lời cầu nguyện khác phù hợp với mục đích của Năm Thánh, dâng lên những đau khổ hoặc khó khăn trong cuộc sống của họ”

Câu 139. Ai được lãnh ân xá 2 lần trong một ngày?

Đáp: “Bất chấp quy định về việc chỉ được lãnh một ơn toàn xá mỗi ngày (x. Enchiridion Indulgentiarum, IV ed., Norm. 18, § 1), các tín hữu thực thi hành động bác ái vì lợi ích các linh hồn trong Luyện ngục, nếu lãnh nhận Bí tích Thánh Thể lần thứ hai trong cùng một ngày một cách hợp pháp, thì họ sẽ có thể lãnh ơn Toàn xá hai lần trong cùng một ngày, chỉ dành cho những người đã qua đời”.

Câu 140. Ân xá Năm Thánh còn được ban trong những dịp khác nữa không?

Đáp: Thưa có: “Các tín hữu sẽ có thể nhận được Ân xá Năm Thánh nếu, với tâm hồn đạo đức, họ tham gia vào các hoạt động truyền giáo bình dân, linh thao hoặc các cuộc gặp gỡ huấn luyện về các tài liệu của Công đồng Vatican II và Sách Giáo lý Giáo Hội Công giáo, được tổ chức tại một nhà thờ hoặc một nơi nào khác thích hợp, theo ý của Đức Thánh Cha”.

Câu 141. Ban ân xá trong dấu chỉ hy vọng hữu hình cho nhiều anh chị em đang sống trong điều kiện khó khăn thế nào?

Đáp: “Ân xá cũng được đi kèm với các công việc của lòng thương xót và sám hối, qua đó thực hiện việc hoán cải. Các tín hữu, theo gương và mệnh lệnh của Chúa Kitô, được khuyến khích thực hiện các công việc bác ái hoặc lòng thương xót thường xuyên hơn, chính yếu là để phục vụ những anh chị em đang bị đè nặng bởi nhiều nhu cầu khác nhau”.

Câu 142. Giáo Hội có ban ân xá cho những việc thăm viếng thông thường không?

Đáp: “Tương tự như vậy, các tín hữu sẽ có thể nhận được ân xá nếu họ đến thăm vào một khoảng thời gian thích hợp những anh chị em đang gặp khó khăn hoặc túng thiếu (người bệnh, tù nhân, người già cô đơn, người khuyết tật…), như thể thực hiện một cuộc hành hương đến với Chúa Kitô hiện diện trong họ (x. Mt 25,34-36) và tuân theo các điều kiện thiêng liêng, bí tích và cầu nguyện thông thường. Chắc chắn, các tín hữu sẽ có thể lặp lại những chuyến viếng thăm này trong Năm Thánh, nhận được ơn toàn xá cho mỗi cuộc viếng thăm, thậm chí hàng ngày”.

Câu 143. Các giám mục giáo phận hoặc bản quyền tương đương có thể ban ơn Toàn xá vào dịp nào trong Năm Thánh?

Đáp: “Tất cả các Giám mục giáo phận hoặc giáo phận Đông phương và những người có thẩm quyền tương đương theo luật, vào ngày thích hợp nhất của thời gian Năm Thánh này, nhân dịp cử hành chính tại nhà thờ chính tòa và tại các nhà thờ Năm Thánh riêng lẻ, sẽ có thể ban Phép lành Giáo hoàng với ơn toàn xá kèm theo, mà tất cả các tín hữu sẽ nhận được Phép lành này theo những điều kiện thông thường”.

VII. HÀNH HƯƠNG NĂM THÁNH

Câu 144. Hành hương là gì?

Đáp: “Cuộc hành hương là hành trình của các tín hữu rời nơi mình đang ở, đi tới một nơi thánh thiêng, để tỏ lòng sùng kính, tham dự lễ hội, cầu nguyện, làm việc đền tội, xin ơn hay tạ ơn” (TĐCG, tr. 374).

Câu 145. Hành hương đã có từ bao giờ trong Giáo Hội?

Đáp: “Ngay từ thời Giáo Hội sơ khai, tín hữu đã có thói quen hành hương về Đất Thánh Palestina, sau đó là Rôma (nơi hai thánh Phêrô, Phaolô và nhiều tín hữu chịu tử vì đạo). Từ thế kỷ IV, người ta bắt đầu tổ chức hành hương trên quy mô lớn. Đến thế kỷ thứ VIII, người ta hành hương thay cho việc đền tội công khai (TĐCG, tr. 374).

Câu 146. Cần có tâm tình nào khi hành hương?

Đáp: “Trước hay trong cuộc hành hương, tín hữu thường được mời gọi chuẩn bị tâm hồn bằng các nghi thức hay các bí tích, để đón nhận hoa trái thiêng liêng trong nỗ lực tìm kiếm và gặp gỡ Thiên Chúa” (TĐCG, tr. 374).

Câu 147. Việc hành hương thể hiện điều gì?

Đáp: “Việc hành hương tới các đền thánh là một cách thể hiện tình hiệp thông của Giáo Hội lữ hành trong tinh thần cầu nguyện. Những cuộc hành hương nhắc nhở tín hữu, đời sống trần gian là cuộc hành hương về Nước Trời” (TĐCG, tr. 374).

Câu 148. Tại sao hành hương là điều căn bản thuộc về Năm Thánh?

Đáp: “Không phải ngẫu nhiên mà hành hương là yếu tố cơ bản của mọi sự kiện Năm Thánh. Lên đường là đặc điểm của người đi tìm ý nghĩa của cuộc sống. Hành hương bằng cách đi bộ rất có lợi cho việc tái khám phá giá trị của sự thinh lặng, sự cố gắng và của điều thiết yếu. (Năm Thánh này), một lần nữa, những người hành hương của hy vọng sẽ không bỏ lỡ việc bước đi trên những con đường cổ xưa và hiện đại để sống kinh nghiệm Năm Thánh một cách mãnh liệt” (SCNT, 5).

Câu 149. Việc mở ra nhiều điểm hành hương trên khắp thế giới có ý nghĩa gì?

Đáp: “Khi đi từ nước này sang nước khác như thể biên giới đã bị xóa nhòa, khi đi từ thành phố này sang thành phố khác để chiêm ngưỡng thiên nhiên và các tác phẩm nghệ thuật, chúng ta có thể tận dụng những trải nghiệm và các nền văn hóa đa dạng để đón nhận cái đẹp. Cái đẹp ấy hòa quyện với lời cầu nguyện sẽ dẫn đến việc tạ ơn Chúa vì những điều kỳ diệu Người đã làm” (SCNT, 5).

Câu 150. Trước khi Ðức giáo hoàng Bonifaciô VIII thiết lập Năm Thánh, Giáo Hội đã chấp thuận những cuộc hành hương lớn nào?

Đáp: Với cuộc hành hương đến Santiago de Compostela vào năm 1122, Ðức giáo hoàng Calixtô II đã cho phép cử hành Năm Thánh tại thánh đường này mỗi khi lễ kính Thánh tông đồ Giacôbê trùng với một Chúa Nhật; năm 1216, Ðức giáo hoàng Hônôriô III đã chấp thuận lời thỉnh cầu của Thánh Phanxicô, xin cho những ai đến viếng Portiuncula vào hai ngày đầu tiên của tháng Tám được hưởng ân xá; Thánh Celestinô V có ý ban cho những ai đến viếng Vương cung thánh đường Thánh Maria Collemaggio ở L’Aquila, vào ngày 28 và 29 tháng 8 năm 1294 để hưởng ơn tha thứ (x. SCNT, 5).

Câu 151. Giáo Hội phải chuẩn bị gì cho việc hành hương?

Đáp: Tại các Giáo Hội địa phương, cần phải đặc biệt chú ý đến việc chuẩn bị cử hành Bí tích Hoà Giải của các linh mục và của các tín hữu cũng như việc lãnh nhận bí tích này dưới hình thức cá nhân. Bởi vì việc hành hương cốt để canh tân đời sống đức tin và thỏa cơn khát nơi nguồn hy vọng, trước hết bằng cách đến với bí tích Hòa giải, là điểm khởi đầu không thể thay thế của con đường hoán cải đích thực (x. SCNT, 5).

Câu 152. Trong Năm Thánh 2025, tại Rôma có những điểm hành hương nào?

Đáp: Trước tiên là ơn toàn xá được ban cho các tín hữu hành hương các nơi thánh, như tại bốn Ðại vương cung thánh đường ở Rôma là Vương cung thánh đường thánh Phêrô, nhà thờ chính toà Latêranô, Vương cung thánh đường Ðức Bà Cả và Vương cung thánh đường thánh Phaolô ngoại thành; ba thánh đường cùng với một số nơi thánh đặc biệt khác ở Rôma.

Câu 153. Đâu là những điểm hành hương quan trọng ngoài Rôma?

Đáp: Ba thánh đường quan trọng tại Thánh địa: nhà thờ Mộ Thánh ở Giêrusalem, nhà thờ Giáng Sinh ở Bêlem, nhà thờ Truyền Tin ở Nazareth; Hai Tiểu vương cung thánh đường ở Assisi, (Ðền thờ thánh Phanxicô và Ðền thờ Ðức Mẹ các thiên thần); Vương cung thánh đường Ðức Mẹ Pompeii; và Ðền thờ thánh Antôn Padova.

Câu 154. Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ lần lượt mở các Cửa Thánh tại Rôma khi nào?

Đáp: Cửa Thánh của Vương cung thánh đường thánh Phêrô ở Vatican được mở vào ngày 24 tháng 12 năm 2024, lễ Giáng Sinh; Cửa Thánh nhà thờ chính toà Latêranô được mở vào ngày Chúa Nhật, 29 tháng 12 năm 2024; Cửa Thánh Vương cung thánh đường Đức Bà Cả được mở vào ngày 01 tháng 01 năm 2025, lễ Mẹ Thiên Chúa; Cửa Thánh Vương cung Thánh đường Thánh Phaolô ngoại thành được mở vào Chúa Nhật, ngày 05 tháng 01 năm 2025.

Câu 155. Tại Giáo Hội Địa phương có những điểm hành hương nào?

Đáp: Tại các nhà thờ Chính tòa hoặc Tiểu vương cung thánh đường giáo phận, hay những nơi do Ðức Giám mục giáo phận ấn định.

Câu 156. Giáo phận Vinh có những điểm hành hương nào?

Đáp: Có 6 điểm hành hương sau:

  • Nhà thờ chính toà Xã Đoài;
  • Đền thánh Antôn Trại Gáo;
  • Nhà thờ xứ Yên Đại;
  • Hang đá và nhà thờ đá Bảo Nham;
  • Nhà thờ xứ Thuận Nghĩa;
  • Nhà thờ xứ Quy Chính.

Đại Chủng viện thánh Phanxicô Xavie

———————–

NHỮNG TỪ VIẾT TẮT
LG: CĐ Vatican II, Hiến chế về Giáo Hội, Lumen gentium.
SC: CĐ Vatican II, Hiến chế về Phụng vụ thánh Sacrosanctum concilium.
GLHTCG: Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo.
KMNT: Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích, Nghi thức khai mạc Năm Thánh tại các Giáo Hội địa phương.
BMNT: Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích, Nghi thức bế mạc Năm Thánh tại các Giáo Hội địa phương.
EG: Đức Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium
FT: Đức Phanxicô, Thông điệp Fratelli tutti.
SCNT: Đức Phanxicô, Sắc chỉ Năm Thánh 2025: Spes non confundit.
QCSL: Quy chế Sách lễ Rôma 2000.
TDCG: HĐGMVN, Từ điển Công giáo.