Chứng nhân của Lòng Thương Xót: Bài giảng Thánh lễ Dầu 2018 của ĐGM Phaolô Nguyễn Thái Hợp

CHỨNG NHÂN CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT
(Lễ Dầu 27/3/2018)

Từ khắp 23 giáo hạt, trải rộng trên ba tỉnh Nghệ – Tĩnh – Bình, chúng ta về nơi đây để cử hành Thánh lễ làm phép dầu. Trong Thánh lễ đặc biệt này, chúng ta kỷ niệm biến cố Đức Kitô được Chúa Cha xức dầu Thánh Thần tấn phong làm Thượng tế Giao ước mới và chia sẻ chức Tư tế của Ngài cho các Tông đồ, cũng như cho mỗi người chúng ta. Đây là cơ hội để bày tỏ sự hiệp thông giữa tất cả mọi thành phần Dân Chúa và cầu nguyện cho các linh mục luôn trung thành vơi sứ vụ của mình. Theo lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô, đây cũng chính là Thánh lễ tri ân Thiên Chúa vì lòng thương xót vô biên của Ngài và cầu nguyện cho tất cả các Kitô hữu, cách riêng các linh mục, trở thành “chứng nhân của lòng thương xót”.

1. Suốt năm năm qua, lòng thương xót đã là đề tài thời thượng trong giáo huấn mục vụ của Đức Thánh Cha. Theo một số nhà nghiên cứu,lòng thương xót gắn liền với tình mẫu tử. Nó phải là thuộc tính của chức năng làm mẹ nơi người phụ nữ và biểu hiện rõ nét qua tình yêu tiên thiên, hiến dâng vô điều kiện của người mẹ đối với đứa con sơ sinh. Xúc động trước sự mảnh mai yếu đuối của đứa bé, người mẹ âu yếm ôm nó vào lòng, vuốt ve, che chở, săn sóc và cung cấp tất cả những gì có thể để nó được lớn lên thành người.

Dựa trên chiết tự Hy Lạp, người ta thấy hạn từ “lòng thương xót” có liên quan với dạ con, bộ phận đặc biệt của phụ nữ chứa đựng bào thai khi có mang. Chính vì vậy, không phải vô lý mà nhiều người cho rằng lòng thương xót là một phẩm tính tự nhiên của người phụ nữ, nó gắn liền với tình mẫu tử và phát xuất từ sâu thẳm bản chất thiên phú nơi người mẹ. Thật vậy, người mẹ yêu con với tất cả tấm lòng, bằng một “tình yêu linh thánh”, vô vị lợi, không so đo, không toan tính. Người mẹ yêu con vì chính người con đó. Chính vì vậy, thông thường những đứa con yếu đuối, tật nguyền, bất hạnh … thường lại được quan tâm, yêu thương, săn sóc nhiều hơn.

Có lẽ chưa bao giờ người Việt Nam chúng ta phải sống trong một giai đoạn bi thảm về tình người, về sự trung tín và lòng nhân ái như hiện nay. Trò đời ô trọc, tham lam, bon chen, lừa đảo của thứ kinh tế thị trường hoang dã đang đẩy con người Việt Nam vào nhiều hành động mất nhân tính, bạo lực, hận thù, sát nhân. Những cuộc đấu đá vì lợi ích nhóm, vì quyền lực hay để bảo vệ một thứ chủ nghĩa hão huyền nào đó ngày càng phơi bày bộ mặt thật thê thảm trong cảnh chợ chiều! Thê thảm nhất là có nhiều người mẹ trẻ đã đang tâm giết những đứa con vô tội và đẩy Việt Nam vào một trong ba nước có tỷ lệ phá thai cao nhất thế giới!

2. Nhưng cho dù có những người mẹ vì đánh mất nhân tính, đã bỏ rơi những đứa con thơ, thì Thiên Chúa cũng không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Đức Thánh Cha Phanxicô luôn lặp đi lặp lại: lòng thương xót là một phẩm tính của Thiên Chúa. Trích dẫn câu thời danh của thánh Toma Aquino, ngài xác quyết: “Thực thi lòng thương xót là đặc điểm riêng của Thiên Chúa, và đó là cách thức đặc biệt để Ngài bày tỏ sự toàn năng của Ngài”. Nói cách khác, đối với Thiên Chúa, việc thực thi lòng thương xót không phải là dấu chỉ của sự bất lực, nhưng chính là biểu hiện của toàn năng, tuyệt đối. “Bản tính thương xót của Thiên Chúa được thể hiện cách cụ thể qua nhiều hành động trong lịch sử cứu độ, nơi mà lòng nhân hậucủa Ngài chiếm ưu thế hơn là trừng phạt và hủy diệt. Các Thánh vịnh đặc biệt nhấn mạnh đến sự cao cả nơi hành động của Thiên Chúa: Ngài thứ tha mọi lầm lỗi của ngươi, Ngài chữa lành tất cả bệnh hoạn của ngươi, Ngài cứu chuộc sự sống ngươi khỏi huyệt sâu, Ngài vinh thăng ngươi với lòng thương xót và lòng trắc ẩn (Tv 103,3­4). Một Thánh vịnh khác còn chứng thực rõ ràng hơn về những dấu chỉ cụ thể của lòng thương xót: Chúa giải thoát tù nhân, Chúa mở mắt cho kẻ đui mù, Chúa nâng dậy những người bị áp bức, Chúa yêu thương người công chính, Chúa bảo vệ khách kiều cư, nâng đỡ cô nhi quả phụ và phá tan lối đi của người gian ác” (Tv 146,7­9).

Lòng thương xót của Thiên Chúa đối với nhân loại không phải là cái gì trừu tượng, mà là một thực tại lịch sử, qua đó Ngài tỏ bày tình yêu của Ngài, như tình yêu của một người cha hay một người mẹ, tan nát ruột gan vì con cái. Phải nói đây là một tình yêu “thấu tận tâm can”. Cũng chính vì lòng xót thương xót vô biên đó, Thiên Chúa không những đã quên hết mọi thất trung, vong ân bội nghĩa của con người, mà hơn nữa, còn sai Ngôi Hai Thiên Chúa giáng trần làm người như mọi người, ngõ hầu con người được làm con Thiên Chúa.

Thật vậy, để giải thoát con người, Đấng vô tội đã trở thành tội nhân, bị tra tấn, phải đội mão gai, phải vác thập giá và chết ô nhục trên thập giá. Khi suy niệm về cuộc khổ nạn đau thương của Đức Kitô, có thần học gia dám nghĩ rằng, xem ra vì quá xót thương nhân loại lỗi lầm, mà Thiên Chúa đã đối xử quá nghiệt ngã và hầu như bỏ rơi Con của Ngài! Phải chăng vì triệt để quên hết tội lỗi trần gian, Thiên Chúa ra như đã quên luôn tình trạng thê lương của Đức Kitô? Khi đã cảm nghiệm tận cùng nỗi cô đơn, nhục nhã và thống khổ, Đức Kitô kêu lớn: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27,46). Đáp lại tiếng kêu thất thanh đó, chỉ là im lặng sâu thẳm và nhiệm mầu!

3. Đức Giêsu Kitô chính là dung mạo lòng thương xót của Thiên Chúa, Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết như thế trong Tông sắc “Dung mạo lòng thương xót”. Do đó, Đức Kitô cũng đã bày tỏ quyền năng của mình qua thái độ yêu thương, khoan dung, tha thứ, nhẫn nhục, xót thương. Nơi Ngài, lòng thương xót đã trở nên sống động, hữu hình và đạt đến tột đỉnh.

Theo bài Tin Mừng hôm nay (Lc 16-21), khi trở về thăm quê hương Nazareth, Đức Giêsu được mời đọc Sách Thánh. Ngài mở sách ngôn sứ Isaia chương 61 và đọc hai câu đầu. Nhưng câu 2, Ngài chỉ đọc dòng đầu để “công bố năm hồng ân của Thiên Chúa”, rồi tự ý bỏ dòng kế tiếp nói về “ngày báo oán của Thiên Chúa”. Tại sao Ngài chủ ý không đọc đoạn đó? Phải chăng quyết định này tự nó đã hàm chứa chủ đích đề cao lòng thương xót của Tân Ước và giảm nhẹ đề tài báo thù trong Cựu Ước?

Lần giở các trang Tân Ước, chúng ta nhận thấy Thiên Chúa của Đức Kitô được biểu hiện nơi người cha nhân lành, ngày ngày ra trước cửa ngóng trông đứa con hoang đàng trở về và khi vừa thấy bóng dáng nó từ đàng xa, đã vội vàng chạy đến ôm chầm lấy nó. Thế rồi, mừng mừng tủi tủi, quên tất cả câu chuyện buồn quá khứ, vội vã mở tiệc liên hoan mừng ngày hội ngộ.

Đức Kitô là thế đó. Ngài đã quên quá khứ và nghề nghiệp của Lêvi, để chỉ nhìn trừng trừng vào mắt ông, cái nhìn thấu tận tâm can, rồi nói: Hãy theo tôi. Ông ta vội vàng đứng dậy đi theo Ngài.

Ngài cũng quên quá khứ của Madalêna, một cô gái làng chơi khét tiếng trong vùng, khi những giọt nước mắt thống hối của cô lăn trên đôi chân lữ hành, vất vả ngược xuôi của Ngài trên những quãng đường gập ghềnh sỏi đá của xứ Galilê.


Ngài đã quên tội tày trời của một phụ nữ bị bắt quả tang đang ngoại tình, mà lại nhìn thẳng vào những khuôn mặt hằm hằm sát khí và những cánh tay đang vung lên sẵn sàng ném đá giết chết chị ta, rồi Ngài ôn tồn nói: ai trong các ngươi sạch tội, thì cứ lấy đá mà ném trước đi. Khi tất cả mọi người đã bỏ đi, Ngài dịu dàng nói: Tôi cũng không lên án chị đâu! Thôi, chị về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!

Ngài đã quên, đã quên hết cuộc đời “đầu trộm đuôi cướp” của tên tử tù cùng chịu đóng đinh bên cạnh, khi ông nhận ra Ngài là ai, và hứa hạnh phúc thiên đàng cho lòng thành đó “ngay hôm nay”.

Ngài đã quên thái độ đằng đằng sát khí của Phaolô khi tự nguyện đi Damasco để bắt bớ các Kitô hữu đầu tiên của Ngài và sẵn sàng sử dụng lòng nhiệ thành của ông để loan báo Tin Mừng.

Ngài đã quên, đã quên hết sự phản bội hèn nhát của Tông đồ trưởng Phêrô, vì những giọt nước mắt thống hối của ông và đã tái khẳng định sự tín nhiệm của Ngài nơi ông, khi trao cho ông trách nhiệm chăm sóc Giáo Hội và củng cố niềm tin của các môn đệ Ngài.

Thiên Chúa là thế đó! và Đức Kitô cũng là thế đó!: Đấng nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu xót thương và thành tín.

4. Trong Lễ Dầu năm nay, chúng ta, đại diện các thành phần Dân Chúa trải rộng trên khắp giáo phận, hiện diện ở đây để tri ân Chúa về lòng thương xót và tình yêu hải hà. Thật sự, nếu Chúa không quên những lỗi lầm, khuyết điểm của chúng ta và không quảng đại khoan dung, thứ tha thì thử hỏi mấy ai trong chúng ta được làm môn đệ của Ngài. Hồ dễ có ai xứng đáng lãnh nhận sứ vụ giám mục, linh mục, chủng sinh, tu sĩ, hành giáo… ?

Tuy nhiên, chắc chắn có một điều không những Chúa không quên, mà Ngài còn luôn nhắc đi nhắc lại: đó là sứ vụ loan báo Tin Mừng. Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ (Mt 28,19). Trong mệnh lệnh trên, chúng ta cần đặc biệt lưu ý hai động từ và cũng là hai mệnh lệnh gắn liền nhau, hỗ trợ nhau, nhưng không thay thế nhau: ra đi và loan báo Tin Mừng.

Ngày xưa cũng như hôm nay, mệnh lệnh của Chúa đòi hỏi chúng ta phải can đảm lên đường đi tìm những con chiên lạc, tiếp cận với các anh chị em nghèo đói, bệnh tật, khổ đau…, đối thoại với những người chưa tin, khác niềm tin hay không còn niềm tin. Thành công của anh chị em Tin Lành ở mấy tỉnh Tây Bắc Việt Nam cũng như kinh nghiệm loan báo Tin Mừng của một số linh mục ở trong cũng ngoài giáo phận Vinh, luôn luôn là một lời mời gọi và nhắc nhở chúng ta về cách thế thực hiện sứ vụ cốt yếu này.

Trong ngày kỷ niệm biến cố chúng ta được Đức Kitô cho chia sẻ chức tư tế của Ngài, được xức dầu và được sai đi để làm cho mọi người thành môn đệ của Ngài, xin Thiên Chúa cho chúng ta trở nên “Thừa tác viên của lòng thương xót” đối với mọi người, thuộc mọi môi trường xã hội và trong mọi lãnh vực của cuộc sống. Amen.



+ GM Phaolô Nguyễn Thái Hợp, O.P.