Thiên Chúa mời gọi mỗi người theo những cách thế khác nhau. Ơn gọi nào, đời sống nào cũng là hồng ân cao cả mà Thiên Chúa dành cho con người. Trong Thư chung gửi các gia đình năm 1994, Đức Gioan Phaolô II đã đề cao gia đình và cho biết Giáo hội có vô số đường đi, nhưng gia đình là đường đầu tiên, quan trọng nhất,[1] bởi vì gia đình thể hiện bản chất và sứ mạng của Giáo hội. Nơi gia đình phản ánh sự thông hiệp của tình yêu và thực thi chức vụ rao giảng Tin mừng, là nơi thánh hóa, nơi cầu nguyện kết hợp với Chúa.
Gia đình không phải bởi những định luật do con người thiết lập mà có, mà là định chế Thần linh làm nền tảng cho cuộc sống con người.[2] Bởi thế, Công đồng Vaticanô II đã nói rõ: “Bởi một hành vi nhân linh, trong đó hai vợ chồng tự hiến cho nhau, đón nhận nhau nhờ sự an bài của Thiên Chúa, phát sinh một định chế vững chắc và có giá trị trước mặt xã hội.”[3]. Hôn nhân không chỉ tồn tại hay có giá trị từ khi có Kitô giáo, mà theo Kinh Thánh, nghĩa là đã có từ thuở Thiên Chúa tạo dựng con người. Cũng theo chiều hướng đó, Tông huấn Familiaris Consortio đã tìm cách trình bày điều thiện hảo quý hóa về hôn nhân và về ý nghĩa sâu xa nhất của thực tại, được Thiên Chúa thiết lập ngay từ khi tạo dựng. Cho nên, “hôn nhân và gia đình tự bản chất đã nhất thiết phải được hoàn tất trong Đức Kitô, cần phải có ơn sủng của Ngài để được chữa lành khỏi vết thương tội lỗi, được đưa về tình trạng nguyên thủy của chúng, nghĩa là nhận biết trọn vẹn và thực hiện đầy đủ ý định của Thiên Chúa.”[4]
Người ta cho rằng, hôn nhân là công trình xây dựng của vợ chồng. Đó là hai tâm lý, suy nghĩ, sở thích khác nhau. Sự khác biệt đó không phải là hố ngăn cách hai người mà trái lại, bổ túc cho nhau, làm cho nhau nên phong phú hơn.[5] Bởi thế, trong hôn nhân, “sự liên kết mật thiết vẫn là sự tự hiến của hai người cho nhau, cũng như lợi ích của con cái, buộc vợ chồng phải trung tín và đòi hỏi kết hợp với nhau bất khả phân ly.”[6] Sự kết hợp nên một ấy là trao ban cả con người cho nhau, và từ đó phát xuất sự sống mới. Có tình yêu, hai người mới có sự ưng thuận kết hôn với nhau. Thiếu sự ưng thuận thì không có hôn nhân,[7] vì “tình yêu vợ chồng đích thực được hoà nhập trong tình yêu Thiên Chúa.”[8].
Hôn nhân có thể được ví như một khu vườn đẹp, đòi hỏi chủ nhân phải có kỹ năng chăm sóc và không ngừng lưu tâm. Có vậy thì khu vườn mới luôn đẹp, nếu khinh suất thì nó sẽ tàn héo và chết khô. Yêu nhau là nhìn thấy ở nơi người bạn những điều không hoàn hảo, nhưng vẫn yêu; yêu là muốn mang lại cho người mình yêu những điều tốt đẹp nhất; yêu là nhường nhịn và tin tưởng lẫn nhau.[9] Sự bi đát nơi gia đình là ở chỗ dần dần biến mất khả năng đối thoại, không có thời gian và không gian để sống các mối tương quan. Vì thế, mỗi người phải đối diện với khó khăn riêng trong cô đơn, không có kinh nghiệm yêu và được yêu.
Do ích kỷ, do cái tôi quá lớn, nên vợ chồng có thể dễ dàng tranh cãi hơn thua và dẫn đến gia đình bất hạnh. Vì thế, trong cuộc sống lứa đôi, hai người đừng coi thường, nếu không giải quyết những bất bình nho nhỏ thì dần dần “chuyện bé xé ra to”. Giữa vợ chồng và giữa cha mẹ con cái, tránh sao cho khỏi những lúc cau có, giận hờn nhau. Ca dao Việt Nam có câu: Ngọc nhìn lâu sẽ tìm thấy vết. Hoa để gần sẽ hết mùi hương. Có biết bao gia đình đổ vỡ là vì không biết hòa hợp trong tư tưởng và việc làm. Thật thế, giải quyết những xung đột trong gia đình là một công việc khó khăn, đòi hỏi sự cố gắng và thiện chí của vợ chồng. Nếu ngay khi bước vào đời sống gia đình, vợ chồng tập thói quen giải quyết các vấn đề nho nhỏ, thì sau này sẽ có nhiều kinh nghiệm để giải quyết những vấn đề lớn lao hơn. Những dịp như thế sẽ giúp vợ chồng hiểu nhau hơn, đồng thời cũng giúp mỗi người gọt giũa cái tôi tự ái, ngõ hầu cuộc sống gia đình hạnh phúc hơn.
Để có một gia đình yêu thương, đặc biệt đối với gia đình Công Giáo, cả người chồng lẫn người vợ, và cả đối với con cái trong gia đình, mọi người phải biết đổi mới chính mình để trở nên những người biết yêu thương thật sự đối với nhau. Họ phải biết thế nào là một tình yêu thật sự, khi trao hiến cho nhau, vì tình yêu đúng nghĩa là khi tình yêu đó luôn quy hướng về người mình yêu và làm cho người mình yêu được hạnh phúc. Đó là tình yêu trao ban, chứ không phải sự chực chờ để nhận lãnh. Trao ban là hành vi đầu tiên của tình yêu, để rồi, sau đó tình yêu được lãnh nhận. Một tình yêu trao hiến là hướng về người mình yêu, chứ không quy về bản thân, một tình yêu theo mẫu gương của Chúa Giêsu đã sống và thể hiện tình yêu của Ngài với Chúa Cha, Chúa Thánh Thần và cho con người.
Giáo hội đã và đang phải đối diện với bao khó khăn trong việc mục vụ đối với các gia đình bị thương tổn, vì không phải gia đình nào cũng được lắng nghe và hòa giải bởi sự can thiệp của Giáo hội. Luật của Thiên Chúa vẫn không thay đổi, và không được tháo gỡ bởi quyền lực nào của trần thế. Trong việc mục vụ, các mục tử phải mang tâm tình của Vị Mục Tử Nhân Lành, biết chạnh lòng thương và tìm ra các giải pháp để giúp đỡ những gia đình bị thương tổn trông cậy vào ân sủng của Thiên Chúa. Các mục tự không nên có thái độ lên án, mà phải “đồng hành với họ là yêu cầu mục vụ quan trọng, để giúp họ sống tình yêu vợ chồng với tinh thần trách nhiệm, phục vụ sự sống, biết hòa hợp tình thương trong tổ ấm gia đình với trách nhiệm xây dựng Hội thánh, xã hội và đất nước.”[10] Giáo hội được mời gọi tìm ra những phương cách nhằm nâng đỡ con cái của mình trên con đường hòa giải. Với lòng kiên nhẫn, hiểu biết, Giáo hội cần giải thích cho những người này hiểu rằng, khi họ không được nhận lãnh các bí tích không có nghĩa là họ bị khai trừ khỏi đời sống Kitô giáo và khỏi các liên hệ với Thiên Chúa.[11]
Hôn nhân là việc cả đời, nếu ai chuẩn bị kỹ càng trước khi lập gia đình thì họ sẽ được sống hạnh phúc hơn các gia đình khác. Hạnh phúc không tự đến cũng chẳng ai cho, mà nó “nằm trong tầm tay” của mọi người. Chúng ta đừng đắm chìm trong sự tự ti mặc cảm của chính bản thân mình cũng như với người khác. Nếu như phải đối diện với thách đố, chúng ta hãy tự xoay xở để tìm ra lối thoát, đừng để tác động của tư tưởng thua cuộc làm ảnh hưởng đến tinh thần của chúng ta. Chúng ta hãy hình dung đến những điểm mới mẻ mà chúng ta sắp đối diện để thay đổi cục diện tích cực hơn. Thành công hay thất bại, thậm chí là những kinh nghiệm đau thương nhất cũng chính là bài học đáng giá nhất, sẽ giúp chúng ta nhận ra được giá trị của chính mình.
Lm. Gioan Đinh Văn Huy
——————————–
Chú thích:
[1] xem, John Paul II, Letter to Families, 2 (February 2, 1994): AAS 86 (1994), 868.
[2] xem, Tóm Lược Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội Công Giáo, (UBBAXH thuộc HĐGMVN dịch), NXB Tôn Giáo, 2007, 211.
[3] xem, Gaudium et Spes, 48.
[4] xem, Familiaris Consortio, 3.
[5] xem, D.Wahrheit, Cẩm Nang Hạnh Phúc Gia Đình Kitô, op. cit., 33.
[6] xem, Gaudium et Spes, 48.
[7] xem. Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, 1626.
[8] xem. Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, 1639.
[9] xem. Mai Anh, Tình Yêu Sự Thật Là Gì? NXB Thời Đại, 2013, tr. 9
[10] Thư chung của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, năm 2013, 7.
[11] xem. “Instrumentum Laboris” of Synods of Bishops on the Family, 2014, 2024, 103.