GPVO (25/2/2023) – Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Viên đã cử hành thánh lễ khai mạc tuần chầu giáo xứ Dĩ Lệ lúc 15h00 thứ Sáu ngày 24/2/2023.
Hiệp dâng thánh lễ có cha quản xứ Phêrô Hồ Văn An, quý cha quản hạt, quý cha trong và ngoài giáo hạt Vàng Mai, quý tu sĩ cùng cộng đoàn dân Chúa.
Ngược dòng lịch sử, giáo xứ Dĩ Lệ hình thành vào những năm 50 của thế kỷ XIX, khi một số gia đình gốc Quỳnh Liên và Thanh Dạ làm nghề chài lưới đến tạm cư gần bến đò Quỳnh Lập. Dần dà có thêm một số gia đình nơi khác đến gia nhập và sinh sống trên mảnh đất Quỳnh Lộc, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An ngày nay.
Vì sống bấp bênh trên sông nước và thường phải đối diện với điều kiện thời tiết khắc nghiệt nên sau một thời gian, họ đã lên định cư tại vùng đất hoang có tên là Đê Trắp, chính là vùng đất của giáo xứ Dĩ Lệ ngày nay.
Năm 1858, tên gọi họ Trắp được các bậc tiền nhân đặt cho nhóm giáo dân sơ khai này. Sau 32 năm hình thành và phát triển, vào năm 1890, khi giáo xứ Yên Hòa đã được tách ra từ xứ mẹ Cẩm Trường, họ Trắp cũng chính thức được đổi tên thành giáo họ Dĩ Lệ, thuộc giáo xứ Yên Hòa.
Trải qua hành trình 130 năm hình thành và phát triển, họ đạo Dĩ Lệ ngày ấy giờ đây đã lớn mạnh về mọi phương diện. Ngày 1/12/2016, Dĩ Lệ chính thức nâng lên hàng giáo xứ với hơn 1.000 nhân danh.
Trong đời sống đức tin, bà con xứ đạo nơi đây luôn tích cực tham dự các sinh hoạt tâm linh và nhiệt thành xây dựng giáo xứ cũng như Giáo hội với nhiều hội đoàn được thành lập và hăng say hoạt động trong công tác tông đồ như: Gia Đình Thánh Tâm, Hội Mân Côi, Caritas, Thiếu Nhi Thánh Thể, v.v..
Giảng trong thánh lễ, Đức cha Phụ tá mời gọi cộng đoàn cùng nhau suy niệm về Đức Giêsu là món quà mà Thiên Chúa đã ban tặng cho gia đình nhân loại. Trong công trình tạo dựng con người và vũ trụ, Thiên Chúa đã ban tặng cho muôn loài những quà tặng cao quý là sự thật vô biên, điều tốt tuyệt vời và vẻ đẹp kỳ diệu mà con người có thể khám phá qua những hiểu biết, tìm tòi nơi các khoa học. Ngài dựng nên con người giống hình ảnh Ngài với tinh thần siêu việt luôn hướng tới vô biên để có thể tiếp xúc với Thiên Chúa là nguồn của chân thiện mỹ, của sự sống vĩnh hằng, quyền năng vô tận, hạnh phúc vô cùng (Tóm lược HTXHCG số 108).
Khi Nguyên tổ phạm tội bất tuân đã cắt đứt mối hiệp thông với Thiên Chúa, loài người đã mất đi nhiều quà tặng quý giá mà Thiên Chúa ban. Con người không còn dễ dàng tiếp xúc với Người Cha của mình và sống khốn khổ, nghèo túng, bệnh tật… Vạn vật vì liên kết với con người trong tương quan với vật chất nên cũng chịu chung cảnh hư nát đó (Rm 8, 18-23).
Khi “yêu thương thế gian đến độ trao ban Người Con Một” (Ga 3,16), Thiên Chúa giàu lòng thương xót đã trao cho con người tất cả thần tính của Ngài và Ngôi Lời làm người là quà tặng quý giá nhất của lòng Chúa xót thương. Thật vậy, khi Thiên Chúa ban Con Một của Ngài cho nhân loại, không phải Ngài chỉ muốn phục hồi hình ảnh mình trong con người và vạn vật để trở lại tình trạng trước khi Ađam – Evà phạm tội mà Ngài còn muốn chia sẻ thần tính mình cho loài người, đón nhận họ là con cái của mình khi cho Con Một Ngài trở thành người để đền tội thay cho muôn dân.
Thiên Chúa biết rằng tất cả mỗi người trong gia đình nhân loại đều phạm tội. Với lòng thương xót vô biên, Ngài muốn tỏ lộ cho mỗi người biết những tội lỗi và bất toàn của chính mình để mỗi người có thể sám hối và được ơn giải thoát (Ga 16,13). Bằng cách lựa chọn sự hoà giải, mỗi người chọn quay lưng lại với tội lỗi và hướng về Thiên Chúa. Trong tiến trình biến đổi, Thiên Chúa muốn tưới gội ân sủng của Ngài trên mỗi người. Ân sủng làm cho mỗi người có khả năng để sám hối và sống thánh thiện hơn. Nhờ quyền năng ân sủng của Thiên Chúa, mỗi người nhận thấy chính mình ngày càng khó chịu với tội lỗi, thậm chí đến mức ghét tội và ảnh hưởng của nó trên cuộc sống của chính mình cũng như của gia đình nhân loại. Thật vậy, khi mỗi người nhìn thấy tội lỗi của mình, chúng ta không chán nản; nhưng được tràn đầy hy vọng và nhận biết rằng nhờ sám hối mỗi người có thể trở về với Chúa Cha, Đấng ban cho mỗi người tràn đầy lòng thương xót và bình an.
Noi gương Đức Giêsu là món quà của ân sủng và để cho Ngài sống cũng như lớn lên trong tâm hồn mỗi người, mỗi người hãy trở nên quà tặng cho tha nhân qua một cử chỉ chân thành, một hành động ý nghĩa, một nghĩa cử cảm thông phát xuất từ niềm tin và lòng thương xót. Qua đó, Đức cha giảng lễ tóm gọn bài chia sẻ qua năm chữ T và mời gọi mỗi người suy niệm và thực hành sống mùa Chay thánh: trở về; tìm hiểu; trả lời; thay đổi; tiến tới.
Tâm Quảng