Gioan Tiền Hô và những “ngôn sứ” thời đại @

GPVO (23/2/2022) – Vua Hêrôđê đã bắt trói ông Gioan và tống ngục vì bà Hêrôđia, vợ ông Philípphê, anh của nhà vua. Ông Gioan có nói với vua: “Ngài không được phép lấy bà ấy.” Vua muốn giết ông Gioan, nhưng lại sợ dân chúng, vì họ coi ông là ngôn sứ. (Mt 14,3-5)
Ông Gioan không biện minh là vì “thế này thế kia” nên dùng thư nặc danh/mạo danh để tố cáo Hêrôđê.
Ông Gioan không lấy lý do này nọ rồi “can đảm” dùng nick ảo để tự nói “sự thật” mình biết, hay là để chuyển tin từ “một người giấu mặt”, để tố cáo Hêrôđê.
Ông Gioan không “tạo bè”, “lập hội” để “đánh hội đồng” Hêrôđê.
Ông Gioan không thoá mạ, sỉ nhục Hêrôđê, với lý do là tội của Hêrôđê đáng bị như vậy.
Ông Gioan không nhân danh tình yêu, công lý, sự thật, sự phát triển, để rồi hung hăng, vô liêm sỉ, tự cho mình quyền “vùi dập” thanh danh hay chà đạp nhân phẩm của Hêrôđê.
Ông Gioan KHÔNG TIẾT LỘ những vấn đề cá nhân hay đời tư của Hêrôđê cho thiên hạ bàn tán: Hêrôđê đã công khai phạm tội trước bàn dân thiên hạ! Ông Gioan nói sự thật với Hêrôđê!
“Nhưng nói sự thật nghĩa là gì? Nghĩa là chân thành? Hay chính xác? Thật ra, những điều đó thì chưa đủ, vì người ta có thể phạm sai lầm cách chân thành, hay có thể diễn đạt chính xác trong từng chi tiết nhưng không nắm bắt được ý nghĩa của toàn bộ sự việc. Đôi khi chúng ta lại tự biện minh bằng cách nói: “Nhưng tôi đã nói những gì tôi cảm nhận!” Vâng, nhưng bạn đã trình bày quan điểm của mình như là chân lý tuyệt đối. Hoặc: “Tôi chỉ nói sự thật!” Có thể, nhưng bạn lại tiết lộ những vấn đề cá nhân hay đời tư của người khác. Tin đồn thất thiệt phá hủy khủng khiếp sự hiệp thông qua những lời phê bình không đúng lúc hay thiếu tế nhị! Quả thật, tin đồn thất thiệt giết chết người khác, và thánh Giacôbê đã nói về điều đó trong Thư của ngài. Những ai tung tin đồn thất thiệt là những kẻ giết người: họ giết những người khác, vì miệng lưỡi cũng giết người như một con dao.” (Trích từ “Mười Lời: giáo lý về Mười điều răn”)
Ông Gioan là ngôn sứ, không phải là người nhiều chuyện: “người nhiều chuyện thì cũng giống như những kẻ khủng bố, vì miệng lưỡi của họ ném trái bom ra, rồi họ bỏ đi cách bình thản, nhưng những gì họ nói qua trái bom đó lại hủy diệt thanh danh người khác.” (Sđd)
Ông Gioan “không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng” (Ga 1,8): ông không núp trong bóng tối, “cào bàn phím” để ”bắn” Hêrôđê, rồi lại coi mình là “ánh sáng chân lý”, là “con cái sự sáng” đang làm chứng cho sự thật. Ông biết khi nói với Hêrôđê: “Ngài không được phép lấy bà ấy”, là ông phải trả giá bằng cả mạng sống.
Gioan đã không sợ hãi, ông đã “bước đi trong ánh sáng” đến gặp Hêrôđê. Và rồi … Hêrôđê đã chém đầu ông (x. Mt 14,10).
Lm. Giuse Nguyễn Đức Nhân