1. Lời giới thiệu
Cái ‘hồn’ vốn trừu tượng lại trở nên rất ư quen thuộc và dễ ‘thấy’ trong 33 câu chuyện mà tác giả nữ tu Maria Fiat Diệu Huyền đã gửi gắm trong tập sách Hồn đất nắn hồn người.
Tôi đã dành những khoảng thời gian thật thảnh thơi trong ngày để cảm nếm từng con chữ giàu hình ảnh, ý tưởng và giàu sứ điệp Tin mừng. Đây quả là một ‘Áng văn có Chúa’, vừa đượm chất văn tình quê, vừa đẫm chất men Tin mừng có sức lan tỏa.
– Quyển sách rất hợp với những ai đam mê vẻ đẹp của văn chương, tiếng Việt.
– Quyển sách đầy gợi hứng cho các bạn trẻ nhận ra tiếng Chúa gọi trong tâm hồn.
– Quyển sách như người bạn đồng hành của các tu sĩ trong đời hiến dâng theo Chúa.
Tác giả đã để lại ‘hồn mình’ trong từng câu chuyện, để bạn có thể gặp gỡ, đối thoại và soi chiếu ‘hồn bạn’ vào trong khu vườn ‘Hồn đất nắn hồn người’.
Lm. Phanxicô Lê Quang Thạch (Bút danh: Fa Lê)
Trưởng ban Văn hóa giáo phận Qui Nhơn, cộng tác viên Tủ sách Nước Mặn.
Tuyên úy cộng đoàn Hưu dưỡng và Học viện Hội dòng MTG Qui Nhơn.
2. Lời ngỏ
Tôi là kết tinh của ‘mảnh hồn làng’…
Tôi hiện hữu trong ‘Gia phả của đất’…
Hồn quê có trong xác thân tôi từ thuở nào…
Đất và người giao cảm quyện làm một trong tôi. Phải thật tĩnh lặng mới nghe được tiếng trò chuyện thầm thì của hồn đất và hồn người…
Theo thời gian, cái hồn quê cứ thế lớn dần, hằn sâu trong tâm cảm, trở thành nguồn dưỡng chất nuôi sống hồn người trong tôi.
Tôi gọi quê hương là đất mẹ vì quê hương đã cho tôi một khởi sự. Từ nơi đây, tôi được Đấng Tạo Hóa gọi tên và câu chuyện cuộc đời tôi bắt đầu. Với tôi, đất quê luôn tỏa hơi ấm, bởi sợi dây rốn linh thiêng và tấm lá nhau thai bao bọc tôi suốt chín tháng mười ngày trong dạ mẹ đã hòa vào đất ngay từ tiếng khóc đầu đời. Như đất đã ươm mật phù sa cho bao mùa cây xanh – củ ngọt – trái trĩu, thì đất cũng ươm mầm giấc mơ cuộc đời và nâng đỡ từng bước chân trong thân phận làm người của tôi. Không đạp đất, tôi sẽ lơ lửng trong không gian, như cây không rễ, như ngôi nhà không móng. Đất quê là nguồn cội, là điểm tựa cho sự sống, là nơi tôi tìm thấy sự vững vàng giữa thế giới rộng lớn này. Phải chăng, đất mẹ thẳm sâu cũng có tâm hồn và cũng bao dung với tất cả những đứa con của mình, như chính người mẹ nào cũng vậy? Đất chính là Mẹ Hồng Hoang!
Có lẽ, cũng như tôi, người người khắp nơi yêu mến đất quê. Nơi đây mang hình ảnh chân mộc, dung dị đến lạ lùng, không hề nhuốm một chút gì hào nhoáng, màu mè. Vì thế, đất thiêng quê nhà không chỉ đi vào trực giác mà còn tiến sâu vào miền tâm thức của muôn đứa con. Nơi ấy có dáng cha với đôi chân lấm lem bùn đất; có bóng mẹ với đôi quang gánh nặng trĩu trên vai, tần tảo với trăm ngàn công việc không tên suốt cả cuộc đời thầm lặng; có những lối mòn người ta đi mãi rồi thành đường, in sâu bao giấc mơ xanh thắm. Và trong khung trời quê, còn đó biết bao mảnh ký ức sống mãi với thời gian. Bởi vậy, cái hồn quê tưởng chừng như mỏng manh và trừu tượng nhưng lại rất bền chặt và thực tế. Nó tựa như sợi dây quấn lấy người quê với cái nơi sinh ra và lớn lên trong suốt hành trình đi trên mặt đất. Tất cả những hình ảnh thân quen của chốn dân dã quê hương một khi đã lỡ chạm vào thì cứ như hành động châm mạnh vào cái huyệt đạo thần kinh nhạy cảm nhất, tái hiện dĩ vãng cách sống động qua những lát cắt diệu kỳ. Và một khi đã mở lối tìm về đường quê trong dòng tâm thức thì nó sẽ như một cơn sóng thần ồ ạt, tràn chảy về thực tại mà không thể cưỡng chế…
Đất quê còn có một lực hút mạnh mẽ lạ thường. Nó như một khối nam châm vô hình, hút trọn con tim và giục giã bước chân của những người con ly hương trở về, dù họ là ai và ở bất cứ nơi đâu. Bởi trên đời này, có mấy ai đi biệt xứ mà không khao khát trở về nhà? Ai đủ lãnh đạm để có thể xoá sạch những ký ức về quê hương? Ai đủ dũng khí để đoạn tuyệt với nơi chôn nhau cắt rốn, mảnh đất đã nâng từng bước đi đầu đời? Chẳng phải trong tự sâu thẳm của mỗi chúng ta, bước chân ra đi là để có chỗ để trở về! Tôi ưa ví von tấm chân tình quê hương với lực hút Gravity (trọng lực) của trái đất. Nghĩa là tình quê có thể thu hút mọi trái tim rơi về nguồn cội. Có lẽ, cả đời người cũng chỉ là hành trình tìm lại đất, tìm lại bóng hình của chính mình. Như thế, đất mẹ mãi mãi là một cõi đi về!
Đôi khi, quê hương không chỉ giới hạn ở nơi ‘chôn nhau cắt rốn’. Nội hàm của đất quê cũng trải ra phong phú, chạm tới những mảnh đất xa xăm nào đó mà ta trân trọng gọi tên ‘quê hương thứ hai’. Ấy là những nơi tôi đã để lại tuổi thanh xuân của mình trên những nơi thoạt đầu cứ gọi là đất khách, nhưng từ bao giờ nó lại hóa nên đất nhà. Đâu cũng thế, truyền thống và khí chất của mảnh đất tạo nên cốt cách, khí phách của con người. Với tôi, nơi nào dấu chân đi qua, nơi đó được bao phủ bởi hồn của đất và tôi hấp thụ cái tinh túy của nó bằng cả trí óc và con tim. Nhìn lại những nơi chốn mà bản thân đã từng đi qua, tôi thấy mình được hun đúc nên ‘một tôi mới’ về mọi phương diện. Tôi trở nên ‘giàu có’ trong kho lẫm tâm điền của mình. Ở mỗi vùng đất, tôi đã tích góp cho bản thân nhiều tri thức mới mẻ, những kỹ năng sống mới, những trải nghiệm phong phú và quý giá nhất có lẽ là một bầu trời kỷ niệm có sự hiện diện của những gương mặt làm nên sự trưởng thành của tôi. Không có nơi nào và con người nào xuất hiện cách vô nghĩa trong cuộc đời tôi! Mỗi người, mỗi nơi là một mảnh ghép không thể thiếu trong bức tranh nhân sinh toàn cảnh. Để rồi, cho dù là ở đâu, những mảnh đất ân tình cũng níu lấy mảnh hồn người cách thắm thiết và mặn mà. Để rồi, tôi cứ vấn vương những điều muốn nhớ, muốn quên trong tâm tưởng.
Và có lẽ, mảnh đất hồng phúc nhất trong cuộc đời mà bản thân tôi có diễm phúc được sống chết với nó, đó chính là mảnh đất Hội Dòng, ‘chốn đất thánh’ đã thánh hiến cuộc đời, nuôi dưỡng và vun trồng ơn gọi của tôi. Tại đây, tôi được tách ra khỏi mảnh đất thế gian để trồng vào vườn ươm của Thiên Chúa. Nhìn lại quãng đường thanh xuân đời tận hiến với ngần ấy thời gian trôi đi, tôi trân trọng từng ‘milimét’ lớn lên của hạt giống ơn gọi. Cái cây ấy đã kết tụ những dưỡng chất của toàn bộ quá khứ, mặc lấy hồn đất quê hương, hấp thụ tinh hoa của nhiều mảnh đất khác; để rồi, hôm nay, cả hồn đất và hồn người kết dệt thành ‘Hồn Tông Đồ’ của người nữ tu mang danh hiệu Sequela Christi tại Hội Dòng Mến Thánh Giá Vinh. Phải chăng đó chính là cuộc hạnh ngộ của những nét đẹp nhân sinh và thiên linh?
Ấy vậy, tôi mang dấu ấn của tất cả những mảnh đất mà tôi đến và đi. Dẫu cho muôn trùng khác biệt, thời gian và không gian, ở và đi, quá khứ và hiện tại… mỗi nơi một cách thức hun đúc nên sự phong nhiêu trong tâm hồn tôi. Dẫu thời gian vần trôi thật nhanh, tôi vẫn cố gắng ngoái lại để nhớ rằng cái nâng đỡ mình để mình vẫn đang miệt mài tung bước giữa cuộc đời là những thứ được dành dụm từ ‘phía sau’.
Hôm nay, có một ngọn gió vu vơ thổi đến từ miền ký ức. Dưới lao xao của những giọt nắng cuối hạ, bàn chân tôi bước đi trên thảm cỏ mềm. Từ trong bao la, tôi đang khởi sự ‘cuộc hành hương trở về với chính tôi’. Tôi dắt chính mình tìm về những mảnh đất thần tiên trên con đường nhuốm màu thời gian và in đầy dấu tích của sự lớn lên, để gom lại những kỷ niệm đã ngủ yên thuở nào. Đi hoài muôn dặm, tôi ngỡ ngàng đến tràn mi khi chầm chậm nhìn lại từng cận cảnh. Tôi phiêu lưu vào những nơi ấy như truy tìm ‘mỏ quặng quý giá’ và đã khai phá được một ‘kho tàng đáng giá’. Tôi hít hà một bầu khí nguyên khiết những hoài niệm. Tôi thấy lòng mình như đi giữa những nhớ quên âm ỉ, chẳng bao giờ nguội tắt. Lối về tuổi thơ và quá khứ ra như chưa bao giờ xanh rêu bám víu, nhưng sáng trong cả một khung trời và tràn trề nguồn nội lực sâu thẳm. Bỗng dưng, trái tim tôi bừng dậy. Tôi tìm thấy được mạch ngầm yêu thương vẫn thao thiết chảy trong những xao động bất chợt của tâm hồn, trước cõi nhân sinh rộng lớn này. Thế là những sợi nhớ sợi thương bỗng hóa nên dòng chữ lai láng tuôn tràn trên mặt giấy. Tầng cảm xúc dưới đáy lòng thôi thúc, buộc tôi phải nói bằng lời và viết bằng mực. Hồn quê đã thực sự trở thành câu chữ!
Trong tập truyện ngắn này, biên độ không gian và thời gian được trải rộng trên mọi chiều kích cuộc sống qua những câu chuyện vừa cũ – vừa mới; vừa đời thường – vừa đời tu; vừa thiêng liêng – vừa tự nhiên; vừa xa lắc – vừa mới qua đi; để rồi, mọi cảm xúc tựu cả vào trong dòng chữ: ‘HỒN ĐẤT NẮN HỒN NGƯỜI’.
Ước mong rằng 33 câu chuyện đường đời tương ứng với độ tuổi của tác giả sẽ gieo vào lòng quý độc giả những cảm nghiệm đủ dài để nhâm nhi những bài học cuộc sống, để khắc khoải một thời xa vắng, để trân trọng những thực tại làm nên căn tính hiện hữu của kiếp nhân sinh, và để chạm tới vẻ đẹp huyền siêu của tâm hồn – một nội hàm rộng lớn, khó mà nắm bắt được bằng ngôn ngữ. Thiết nghĩ, khi biết nhìn đời bằng ánh mắt xanh trong của hồn quê hương, chúng ta sẽ có cơ may quy chiếu về cái hồn quê miên viễn trên Thiên Quốc với ước vọng và khát khao. Đó là một chân trời tự do, không còn tranh đấu, không còn giằng co nội tâm, không vướng đau khổ, không bận vinh hoa, nhưng là Quê Trời phúc lạc vĩnh cửu.
Xin khắc cốt ghi tâm lòng biết ơn đến tất cả những ai đã chung góp ‘công sức’ và ‘tâm lực’ để Hồn đất nắn hồn người được nên hình nên dạng!
Nữ tu Maria Fiat Diệu Huyền
Hội Dòng Mến Thánh Giá Vinh