GPVO (31/05/2024) – Sứ vụ loan báo Tin Mừng là bản chất của Giáo hội. Chính vì thế, việc đào tạo những người sống đời thánh hiến – những thợ gặt, thợ làm vườn nho của Chúa – luôn là mối quan tâm hàng đầu và bổn phận thiêng liêng của Giáo hội mọi nơi mọi thời. Bên cạnh một nền tảng kiến thức vững chắc về đời sống tu đức, việc đào tạo và huấn luyện để có một kiến thức vững chắc trong xã hội là một trong những yêu cầu không thể thiếu, bởi nhiệm vụ đặc thù của họ đòi hỏi một sự hiểu biết thấu đáo về cuộc đời và về con người. Hiểu được sứ vụ ấy, Học viện Liên dòng thánh Giáo hoàng Gioan XXIII đã không ngừng cố gắng, góp phần nhỏ bé của mình vào việc đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Dẫu phải đối diện với những khó khăn trong các giai đoạn lịch sử nhưng một thập kỷ đã qua Học viện vẫn không ngừng lớn mạnh, trở thành vườn ươm trồng những hạt giống tâm hồn – trí tuệ, nâng cánh bao ước mơ của tuổi trẻ, nối những nhịp cầu cho bao thế hệ tự tin bước tới tương lai. Một thập kỷ trôi qua, một năm học nữa lại kết thúc. Đây là thời khắc để học viên nhìn lại chặng đường đã lùi dần vào lịch sử để lượng giá về thành quả đã nỗ lực và hân hoan dâng lời tạ ơn về những phúc ân mà mỗi người đã nhận lãnh.
Trong tâm tình đó, chiều ngày 27/05/2024, Học viện Liên dòng thánh Giáo hoàng Gioan XXIII Giáo phận Vinh, long trọng cử hành lễ bế giảng năm học 2023- 2024 và trao bằng tốt nghiệp thần học cho quý học viên khóa IX, đồng thời hân hoan mừng kỷ niệm 10 năm thành lập học viện (2014 – 2024).
Tại hội trường tầng 2 của Trung tâm Mục vụ Giáo phận Vinh, vào lúc 14 giờ 45 phút, toàn thể quý học viện đã có mặt đông đủ cùng hát vang lời ca chào mừng trong hân hoan. Tham dự buổi lễ bế giảng, có sự hiện diện đầy trân quý của Đức cha Anphong Nguyễn Hữu Long – chủ chăn Giáo phận, Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, nguyên Giám mục Giáo phận Vinh, Đức cha Phụ tá Phêrô Nguyễn Văn Viên, Giám mục phụ tá, quý giáo sư, quý cha, quý Bề trên các hội dòng, hiệp hội, Ban điều hành học viện và quý học viên đang theo học tại học viện cùng cựu Học viên và đông đảo khách mời.
Đứng 15 giờ, sau khi xin ơn thánh hóa của Chúa Thánh Thần, quý học viên của Học viên đã có một tiết mục văn nghệ đầy cảm xúc chính thức khai mở chương trình. Tiếp đến, qua bài diễn văn bế giảng năm học và kỷ niệm 10 năm thành lập thành lập Học viện Liên dòng thánh Giáo hoàng Gioan XXIII, cha Giám đốc Phaolô Nguyễn Thiện Tạo đã dâng lời tạ ơn Thiên Chúa và ngỏ lời tri ân tới quý Bề trên Giáo phận, Bề trên các hội dòng và đội ngũ giáo sư. Cùng sự nỗ lực của Ban Đào tạo và tất cả học viên trong suốt chặng đường 10 năm qua. Đồng thời, cha Giám đốc cũng có những tổng kết rất chi tiết về những thành quả mà Học viện đã đạt được trong một thập kỷ qua cùng những thao thức, định hướng cho một viễn tượng mới của Học viện.
Ngay sau đó, Đức cha Anphong Nguyễn Hữu Long đã mở đầu bài huấn từ với lời chúc mừng tới học viện nhân sự kiện ba trong một này. Đồng thời, Đức cha cũng bày tỏ sự hài lòng đối với thành quả mà học viện đã đạt được trong suốt chặng đường đã qua. Tiếp đó, Ngài cũng gửi đến các học viên những lời huấn từ sâu sắc với các điểm nhấn xoáy sâu, mời gọi các học viên suy gẫm và thực thi. Dựa trên những suy tư của một nữ tu quốc tế về vấn đề đào tạo các nữ tu trong thời đại ngày nay Đức cha Anphong đặc biệt nhấn mạnh: Trong thời đại ngày càng chuyên môn hóa, người được trao phó công việc phải là những người thực sự có khả năng và tâm huyết, nghĩa là “có tâm và có tầm. Bởi vậy, ưu tiên của chúng ta là đào tạo những người có khả năng cống hiến hết năng lực của mình, bởi vì “bạn không thể cho người khác những gì bạn không có”. Bởi đó, ngài mong muốn, các tu sĩ, linh mục, đặc biệt là các nữ tu sau khi được đào tạo tại Học viện cũng sẽ làm việc với tất cả tâm huyết và năng lực mà bản thân đang có để thu hái được nhiều kết quả trong sứ vụ học tập.
Ngài nhìn nhận rằng, ngày nay trong xã hội và ngay cả trong tổ chức của Tòa thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã đưa phụ nữ vào trong những guồng máy quản trị của Tòa thánh. Tuy nhiên, Đức cha cũng bày tỏ nỗi buồn về một thực tế trong việc đào tạo các nữ tu trong xã hội Việt Nam hiện nay. Khi mà đại đa số nữ tu sau khi học kết thúc một vài năm học thần học thì việc học dường như đã dừng tại đó để lao mình vào những sứ vụ trong hội dòng, giáo xứ… Các nữ tu được dành quá ít thời gian cho việc học, chương trình học thường thua kém hơn so với chương trình học dành cho các chủng sinh, tu sĩ nam. Dường như, việc giáo dục cho nữ giới là vấn đề thứ yếu và không bắt buộc. Trong khi đúng ra những người sống đời thánh hiến cần được dành thời gian và phương tiện để học tập tốt, để họ có thể hiểu biết về bản thân và nâng cao lòng tự trọng của họ và có thể cảm kích những phẩm chất tốt đẹp nơi người khác, từ đó biết tự đòi hỏi bản thân trước khi đòi hỏi người khác, để trở nên vừa khách quan vừa thấu hiểu.
Kết thúc bài huấn từ, Đức cha Anphong không quên nhắn nhủ mỗi chị em phải luôn nhớ thời gian học tập không phải là thời gian bỏ đi, nhưng đó là thời gian cần thiết để chuẩn bị cho sứ vụ phục vụ Hội Thánh sau này, càng có thời gian chuẩn bị đàng hoàng thì càng phục vụ tốt hơn. Đặc biệt, mỗi người hãy cầu xin mẹ Giáo Hội mạnh dạn thực hiện cam kết trong việc đào tạo các nữ tu để các nữ tu có khả năng đưa ra những lựa chọn triệt để vì Chúa Kitô và cho phẩm giá của người phụ nữ. Chúng ta cần đào tạo những nữ tu trở thành những người đấu tranh, những người can đảm dám nói không với những gì phản giá trị. Khiến phụ nữ bị coi thường cũng như bị hạ thấp ý nghĩa và giảm giá trị của đời sống thánh hiến.
Tiếp đến, cha Giám đốc Phaolô Nguyễn Thiện Tạo đã đọc quyết định công nhận tốt nghiệp và trao bằng tốt nghiệp cho quý học viên khóa IX. Sau đó, Đức cha Anphong, Đức cha Phaolô, Đức cha Phêrô, cha Giám đốc Phaolô và chị Giám học Anna Nguyễn Thị Quế hân hoan trao bằng cho 78 học viên khóa IX.
Nhìn lại chặng đường 2 năm thần học với những mảnh ký ức đẹp dưới mái trường học viện, một đại diện các học viên khóa IX đã bày tỏ lời cảm tạ Thiên Chúa và tri ân Bề trên Giáo phận, các giáo sư và hết những ai đã yêu thương, đồng hành cùng các học viên trên hành trình tìm kiếm và thủ đắc nguồn tri thức thánh: “Niềm vui và thành quả mà chúng con nhận được ngày hôm nay, chúng con xin dành trọn niềm tri ân… Hẳn là không sai khi nói rằng “nhà giáo dục là người trao cho học sinh của mình chìa khóa để mở cánh cửa tri thức”. Với ơn khôn ngoan thông thái, sự hiểu biết uyên thâm cùng với kinh nghiệm giảng dạy, quý giáo sư đã luôn nhiệt tâm hướng dẫn, truyền tải và giúp chúng chạm đến tri thức thánh và sự hiểu biết qua các môn học mà chúng con được thụ huấn. Hơn thế nữa, với kinh nghiệm được tích lũy qua đời sống thánh hiến và công tác mục vụ, quý Giáo sư đã giúp chúng con ý thức và mở mang tầm nhìn của mình trong mọi chiều kích của đời thánh hiến. Quý ngài là quý ân sư ngày đêm miệt mài truyền đạt cho chúng con không chỉ kiến thức và chân lý, hơn thế quý ngài đã hun đúc trong tâm hồn chúng con “cốt cách”, “bản lĩnh” và “ngọn lửa truyền giáo” của người môn đệ Chúa Kitô trong thời đại ngày hôm nay. Có lẽ cũng bởi vì thế mà người ta thường nói rằng, “người thụ huấn”chính là “người thụ ơn”…”. Niềm hạnh phúc cùng lời tạ ơn được quý học viên thể hiện cách tròn đầy hơn qua tiết mục hợp xướng Gaudeamus Igitur (Chúng ta hãy vui mừng).
Đỉnh cao của lễ bế giảng là thánh lễ trọng thể được cử hành tại nhà nguyện Trung tâm Mục vụ vào lúc 17 giờ chiều cùng ngày do Đức cha Anphong chủ sự. Trong bài giảng lễ, qua hình ảnh người thanh niên giàu có với câu hỏi: “Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” (Mc 10,17-27). Đức cha Phụ tá Phêrô hướng cộng đoàn tới ý lực chủ đạo của bài Tin Mừng đó là việc có nhiều của cải vật chất không bao giờ là yếu tố tất yếu đưa chúng ta tới hạnh phúc đời đời. Nhưng phải là thái độ buông bỏ, quảng đại bước theo Đức Kitô và phục vụ Giáo hội của Ngài. Và để việc phục vụ sinh hóa trái, mỗi người cần không ngừng ý thức mình là người không biết nhiều, có học bao nhiêu cũng không cùng. Việc học phải đưa mỗi người tới chỗ nhận ra rằng“Chúng ta học để biết rằng chúng ta không biết”. Qua đó Đức cha mời gọi mỗi chị em không ngừng học hỏi, để trở nên giàu có, sự giàu có về tri thức luân lý, nhân bản… Và nhờ những tri thức ấy chị em biết đem ra thực hành để cải thiện và thăng tiến đời sống tâm linh hầu đạt được gia nghiệp là sự sống đời đời.
Tâm tình của niềm vui tạ ơn được kéo dài từ “bàn tiệc Thánh Thể” cho đến “bàn tiệc ẩm thực” với những phút giây sum vầy đong đầy tình gia đình đã tăng thêm sự nối kết và yêu thương. Giữa cái sâu lắng nhẹ nhàng của màn đêm, ngày lễ bế giảng và kỷ niệm 10 năm thành lập học viện đã khép lại trong nhiều cung bậc cảm xúc và sự bình an nội tâm với những dấu ấn khó phai.
Ước mong rằng, cách riêng với quý học viên những hành trang đức tin đã được tích lũy qua tri thức thâu lượm được trong quá trình học tập tại Học viện, các học viên có được tâm thế vững chắc về Tu đức, Tri thức và Mục vụ, đồng thời luôn khiêm cung chung tay cùng Giáo hội loan báo Tin Mừng bằng đôi tay dẻo dai và một trái tim đầy nhân ái. Và đối với học viện, khi chuyển mình bước sang một giai đoạn mới được phát triển và luôn rộng mở hơn nữa trong tương lai với những dự định cho những năm tới được thành toàn vì chính “Thiên Chúa sẽ thực hiện những điều lớn lao” cho những gì Ngài đã khởi sự. Để rồi ngang qua học viện, Giáo hội có thêm nhiều “cộng tác viên đúng nghĩa” và những “thợ gặt lành nghề”, như những cánh tay nối dài của Thiên Chúa trong công cuộc cứu độ và dẫn lối cho mọi tâm hồn thành tâm thiện chí đến “sự thật toàn vẹn” (Ga 16,13).
Ban truyền thông học viện