Ngày 12 tháng 7 là lễ hai thánh Louis Martin và Marie-Azélie Martin, song thân của Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Hai vị được ĐGH Phanxicô tuyên thánh năm 2015. Ngày 12 tháng 7 được chọn là ngày lễ vì ngày này năm 1858, hai người đã cử hành Bí tích Hôn phối tại Nhà thờ Đức Bà ở Alençon, Pháp. Họ đã cam kết sống chung thủy với nhau suốt đời.
Các bí tích là dấu chỉ và là phương tiện giao tiếp thân mật với Thiên Chúa: Bí tích đem Ngài đến ở giữa chúng ta và chúng ta ở trong Ngài; và vì sự sống của Thiên Chúa là vĩnh hằng, các bí tích hướng tới Nước Trời. Bí tích Hôn phối được hướng tới việc thánh hóa lẫn nhau, sinh sản và giáo dục con cái nên thánh.
Chúng ta thấy rất rõ trong đời sống của gia đình Martin. Cả hai đều đã tìm kiếm sự thánh thiện trước khi kết hôn: Louis đã có một thời gian ở một tu viện Augustinô nhưng không học nổi Latin, còn Zélie cũng đã muốn làm nữ tu dòng Bác ái, nhưng bị chứng khó thở và đau nửa đầu nên không được chấp nhận. Thiên Chúa đã có ơn gọi riêng cho cả hai.
Zélie cầu nguyện xin Chúa ban cho nhiều đứa con được thánh hiến cho Chúa. Ngài đã an cho họ 9 người con, trong đó có 4 người con chết ngay sau khi được rửa tội, còn năm người con kia nhận ra những ơn gọi để sống đời thánh hiến và trở thành nữ tu.
Người nổi tiếng nhất là Chị Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu, Chị nói nhiều về diễm phúc có “cha mẹ vô song” và cách Chúa đã ban cho “một người mẹ và một người cha xứng đáng với Thiên Đàng hơn thế gian này.”
Khi họ được tuyên Chân phước ở Lisieux năm 2008, ĐHY Jose Saraiva Martins Bộ trưởng Bộ Phong Thánh nhấn mạnh trong bài giảng rằng ông Louis và bà Zélie đã biết mình có thể thánh hóa mình qua hôn nhân và nhờ hôn nhân. Họ biết rằng đám cưới của họ được coi là khởi điểm cùng nhau vươn lên.
ĐHY Jose đề nghị ông bà Martin trở thành gương mẫu cho các cặp đính hôn trong sự thuần khiết của tâm hồn; cho các cặp kết hôn trong sự yêu thương và tôn trọng lẫn nhau; cho các cha mẹ là thừa tác viên của tình yêu và sự sống; cho các nhà giáo dục trong việc hướng nghiệp cho người trẻ; cho những người góa bụa trong lúc sắp mất niềm tin; cho những người chết trong sự bình an theo Thánh Ý Chúa, và cho mọi người Công giáo sống với tinh thần truyền giáo.
ĐHY Jose nói rằng việc ông bà Martin được đưa lên bàn thờ là dịp để mọi người nghĩ về cha mẹ của mình và tạ ơn Chúa về cha mẹ mình, không chỉ vì họ hợp tác với Chúa trong việc mang lại sự sống mà còn vì họ hợp tác với Chúa trong việc dẫn dắt con cái đến với Ngài và Giáo Hội của Ngài.
Giống như ông bà Louis và Zélie Martin, các đôi vợ chồng cũng được Thiên Chúa mời gọi trở thành những người xây dựng Giáo Hội. Hồng ân để hiểu biết hôn nhân trong các thế kỷ đầu của Kitô giáo là trở nên “Giáo Hội tại gia,” vì nhiều nơi thờ phượng của các Kitô hữu lúc đó là nhà của các Kitô hữu, như nhà của chị Pơ-rít-ca và anh A-qui-la. (Rm 16:5) Thánh Gioan Chrysostom (+407), bổn mạng các nhà giảng thuyết Kitô giáo, đã viết: “Giáo Hội là một gia đình nhỏ, và… thực sự một ngôi nhà là một Giáo Hội nhỏ.”
Các giáo hoàng và các tài liệu của Giáo Hội thường nhấn mạnh cách gia đình xây dựng trên Bí tích Hôn phối là “Giáo Hội nhỏ” – nơi Thiên Chúa hiện diện, được chào đón, được tôn thờ, được yêu mến, được chia sẻ tâm sự.
Công Đồng Vatican II dạy: “Trong gia đình như một Giáo Hội nhỏ, ước gì cha mẹ là những người đầu tiên dùng gương lành và lời nói mà truyền dạy đức tin cho con cái, cũng như phải lo chăm sóc đến ơn gọi riêng của từng đứa con, và phải đặc biệt chăm sóc đến ơn kêu gọi làm linh mục.” (Hiến chế Lumen Gentium, số 11). Thánh Gioan Phaolô II cho biết về cách gia đình là một “Giáo Hội tại gia (ecclesia domestica) là hình ảnh sống động và biểu hiện lịch sử của mầu nhiệm Giáo Hội.” (Tông huấn Familiaris Consortio, số 49)
Trong tài liệu giáo lý năm 2007, ĐGH Benedict XVI nói: “Mỗi gia đình được gọi là ‘Giáo Hội tại gia’ và là nơi đời sống gia đình hoàn toàn tập trung vào uy quyền của Đức Kitô và tình yêu phu thê phản ánh mầu nhiệm tình yêu của Đức Kitô dành cho Giáo Hội, Hiền Thê của Ngài.” ĐGH Phanxicô nhấn mạnh về đời sống gia đình: “Giáo Hội là gia đình của các gia đình, không ngừng được phong phú hóa nhờ cuộc sống của mọi Giáo Hội tại gia này.” (Tông huấn Amoris Laetitia, số 87) Giáo lý nhấn mạnh: “Ngôi nhà gia đình được gọi đúng là ‘Giáo Hội tại gia,’ một cộng đoàn của ân sủng và cầu nguyện, một trường học đạo đức con người và đức ái Kitô giáo.” (GLCG, số 1666)
Ngày lễ của hai vợ chồng đầu tiên cùng được tuyên thánh là dịp để chúng ta nhận biết quyền năng của Thiên Chúa tác động trong Bí tích Hôn phối qua việc thánh hóa hôn nhân và gia đình, tạo nên Giáo Hội tại gia thực sự, nhờ đó cũng xây dựng Giáo Hội tại thế và hiệp thông với các thánh trên trời.
Lm. Roger Landry
Trầm Thiên Thu
(chuyển ngữ từ NCRegister.com)
Miền Tháng Bảy – 2020