GPVO (7/2/2023) – Sáng sớm, gió thổi thông vào tai và cả khuôn mặt. Mặt tôi lúc này đỏ bừng và ửng hồng. Khí trời hanh khô làm cho da tôi và nhiều chị khác có dấu hiệu nứt nẻ. Mỗi lần vào tiết trời đông, nhiều người có biểu hiện như vậy. Lắm lúc, vì các chị không trang điểm như người ngoài nên chị em cứ trêu đùa tôi là “trang điểm, đánh phấn nên đẹp hẳn ra, coi chừng mất ơn gọi”.
Hình ảnh mang tính minh họa
Thú thật, chúng tôi được xem là người thật, việc thật. Vì chúng tôi không makeup, không làm đẹp, tô son như những người sống ở ngoài môi trường tu. Có phải vì vậy mà các bà hay một người dân nào đó bảo với chúng tôi thế này: “Các xơ ơi, thời nay nhà con không biết ai là thật nữa luôn, nay toàn là khuôn mặt giả, mắt giả, mũi giả, môi giả…”
Giờ mỗi lần nhìn chúng tôi, ai nấy tươi cười khen cùng một nghĩa đại khái như “các xơ bây chừ được xem là người quý hiếm, vừa quý mà lại vừa hiếm”. Mặc dù chúng tôi được sinh ra với thân phận là phái yếu, người nữ ai ai cũng muốn làm đẹp chứ, đâu ai muốn xấu phải không nào? Vì yêu Chúa, chúng tôi để con người mình tự nhiên với những gì cha mẹ đã sinh ra, không đẽo gọt, không thẩm mỹ và để nó thuộc về sẵn có. Chỉ trừ số lần diễn văn nghệ hay là đóng kịch thì phải trang điểm tý chút, khuôn mặt các chị ai nấy như được hóa trang 360 độ, khó nhận dạng ai là chị Hoa, ai là chị Hòe…
Một chút suy tư vặt trong ngày của bao nữ tu, trong đó có tôi. Không giống như những cô thiếu nữ bên ngoài, họ thường tính ngày đi làm bao nhiêu công, bao nhiêu tiền, dùng vào việc đi shopping hay đi du lịch, lập nghiệp dựng vợ gả chồng thế nào để sau này có một cuộc sống hạnh phúc hơn. Còn chúng tôi, chúng tôi tính toán khác họ, đại loại như khi nào thì về tết, bao nhiêu ngày thì về hè. Lúc nào được lên lớp nhà tu, bao lâu được mang áo đen, lúp khăn với một mục đích trở thành đứa con riêng của Chúa mà không dễ gì có được. Kiểu vậy đó, trong đầu chúng tôi luôn thường trực những mong mỏi rất đơn giản là các khoảng thời gian, các dịp thuận tiện để chỉ được về với cha mẹ, với quê cha đất tổ, chỉ mong sum họp tình đoàn viên.
Khi sáng đây, tôi cùng với các chị ra đê để trỉa ngô. Một tập đoàn ma sơ rất đông, chừng 25 người. Chị đặc trách, chị giáo đi làm hết, bao nhiêu nhân lực tập trung ra ngoài con đê cả. Mỗi người mỗi việc, người thì cuốc đất, người thì rải phân, người trỉa ngô, người chặt, người chở cây táo gai làm bờ rào ngăn trâu bò vào ăn, những chị còn lại đưa chân lấp đất. Riêng chị quản lý là xơ Phượng đi phun thuốc trừ sâu. Mỗi lần nhìn hình ảnh này, chà! trông các chị oách xờ lách thật đấy! nhìn men lì quá! Chính khoảnh khắc đó giúp tôi hồi vị lại một dấu chấm đẹp trong đời tu phảng phất đâu đây, đó là các chị ở các cộng đoàn như cộng đoàn Nhà Mẹ, hay như cộng đoàn Trang Nứa đều có thể lái xe tải, ô tô để chở nước hay đưa đón chị em ra vào dòng. Hôm nhập dòng hoặc các ngày lễ lớn như lễ Suy Tôn Thánh Giá, lễ khấn dòng hằng năm, tôi chứng kiến các chị bắc thang mắc, nối dây điện nữa kìa. Thấy vậy, tôi lại càng thích, xem ra các chị rất cool ngầu.
Chuyện vui tháng 6 hôm nay mới có dịp tỉ tê kể lể:
Chuyện là sáng sớm sau khi ăn, chị em chúng tôi tới sân tập đánh bóng chuyền để bốc những dây lạc khô tấp vào xe kéo đưa sang nhà ông Kính Mai để xay bột. Đi với tôi gồm có chị Trang (xứ Yên Lý) và một số chị khác nhưng ở lại xay bột thì chỉ có chị Quản Mai, chị Trang và tôi. Chị quản Mai có nhiệm vụ di chuyển lạc khô vào trong máy xay còn tôi và chị Trang thì thu bột vào các bao bì. Trước khi xay, ông chú đã dặn là cẩn thận dủ bao bột nhẹ chứ không nó tuột. Ai dè, tôi đóng được hai bì thì lúc chuyển sang bao bì khác, nó nặng quá khiến tôi không giữ lại được nó kéo tuột mất. Tôi loay hoay trông về phía chị Trang, tôi bảo tuột rồi, chị Trang bảo tuột gì? Tôi nói thì tuột dây buộc chứ sao? Bụi bột dây lạc bắn tứ tung, bắn tóa lỏa làm cho hai chị em chúng tôi mặt đen nhẻm như mới trét nhọ nồi, giống như hai con ma mới bị sét đánh. Ống khói bột phun ra như vòi hàm rồng … ấy thế nhưng mà vui, dù có vất vả thế nào đi chăng nữa thì chúng tôi luôn làm việc trong sự cộng tác với nhau.
Quay ngược thời gian cũng là chuyện xay bột nhưng khác thời điểm. Tôi kể tiếp, chưa hết: Một buổi sáng nọ, bốn chị em chúng tôi cùng nhau đi xay bột. Trong đó bao gồm chị Như Lan, chị Hoa, chị Dơn và cả tôi nữa. Chị Như Lan chở, chúng tôi ngồi trên xe kéo. Tôi là cái đứa nghịch ngợm ngồi tỏm trên bao ngô, chân bắt nhẹ theo kiểu chữ ngũ với vẻ mặt đầy kiêu hãnh, chỉ vì hôm nay được ra “thế giới bên ngoài”. Có một chuyện nực cười thay, đến chỗ xay bột họ bảo không xay cho nhà dòng vì nhiều quá sợ hư máy. Với vẻ mặt đầy lưỡng lự của chú, chúng tôi cứ nâng lên đặt xuống cái càng xe. Kết quả là họ không xay đành phải ra quán khác.
Đến quán mới, chúng tôi nhận ra ngay dáng vẻ thầy Giêsu, ông chú ấy nhận xay cho chúng tôi còn làm việc rất nhiệt tình nữa cơ chứ. Sau khi xay xong, không biết đâu ra thêm bốn ly nước mía từ chủ quán cạnh bên đem tới bàn. Hóa ra là ông chú máy xay mời bốn chị em uống nước. Hạnh phúc thật khi tôi có nói trước đó với chị Hoa: Khát nước mía nhỉ! Bây giờ lời đó đã trở thành sự thật. Tôi khát quá, trời thì nắng như đổ lửa, trời nắng chang chang. Khát quá! Tôi uống một mạch mà chẳng có điểm dừng. Các chị cứ nhìn tôi như chưa bao giờ được uống vậy đó. Điều làm cho chị em chúng tôi hạnh phúc không phải vì ly nước mía nhưng là sự nhạy bén, sự quan tâm của chú xay bột. Đó là một chấm vui nhỏ nhỏ trong ngày.
Mỗi ngày ta có thể nhận ra nhiều điều tốt đẹp, ý nghĩa trong cuộc sống để lấy đó làm niềm vui góp nhặt qua từng giây phút trong các chuỗi ngày sống. Cảm ơn Chúa, một người bạn đã luôn đồng hành, luôn cho chúng con uống khi khát trong ngày hôm nay.
Sao Biển (MTG. Vinh)