GP VINH 18/5/2025 — Khi tiếng chuông vang lên tại quảng trường thánh Phêrô vào sáng Chủ nhật này, thế giới sẽ chứng kiến một nghi lễ mang dấu ấn lịch sử và thiêng liêng: lễ khai mạc sứ vụ của vị giáo hoàng đầu tiên sinh ra tại Hoa Kỳ.
Trong buổi lễ, đức giáo hoàng Leo XIV sẽ chính thức nhận chiếc nhẫn ngư phủ — một biểu tượng của quyền bính, đức tin và sự kế thừa kéo dài hơn 700 năm.
Được gọi là anulus piscatoris trong tiếng Latin, chiếc nhẫn ngư phủ bắt nguồn từ thế kỷ 13. Trong nhiều thế kỷ, nó được dùng như con dấu cá nhân của các giáo hoàng, để đóng lên các tài liệu chính thức. Dù chức năng hành chính của nó đã chấm dứt từ giữa thế kỷ 19, chiếc nhẫn vẫn là biểu tượng bất khả tách rời của chức vị giáo hoàng, không chỉ trong vai trò người lãnh đạo Giáo hội, mà còn là người kế nhiệm của thánh Phêrô.
Chiếc nhẫn mang khắc hình ảnh thánh Phêrô — người đánh cá xứ Galilê năm nào — đang quăng lưới từ mạn thuyền, một hình ảnh gợi nhắc đến câu chuyện trong Tân Ước khi ông vâng lời Đức Giêsu và kéo lên một mẻ cá lạ thường. Cũng chính khoảnh khắc đó, ông nhận lời mời gọi của Chúa trở thành “ngư phủ đánh lưới người” — hình ảnh đã định hình sứ mệnh thiêng liêng của mọi vị giáo hoàng kể từ đó.
Mỗi chiếc nhẫn đều được chế tác riêng cho từng giáo hoàng, khắc tên Latinh của ngài. Truyền thống thường đúc nhẫn bằng vàng, như trường hợp của đức Bênêđictô XVI. Tuy nhiên, vào năm 2013, người tiền nhiệm của đức Leo XIV đã chọn chiếc nhẫn bạc mạ vàng, từng thuộc về thư ký riêng của đức giáo hoàng Phaolô VI — một lựa chọn phản ánh tinh thần giản dị đang ngày càng hiện diện trong triều đại giáo hoàng hiện đại.
Theo nghi thức cổ truyền, sau khi một giáo hoàng qua đời, chiếc nhẫn của ngài sẽ bị phá hủy cùng với ấn chì để ngăn chặn việc giả mạo tài liệu. Chính vì vậy, mỗi chiếc nhẫn là một hiện thân duy nhất của sứ vụ cá nhân và cũng là biểu tượng không thể sao chép của một triều giáo hoàng.
Giờ đây, với chiếc nhẫn ngư phủ trên tay, đức Leo XIV bước vào sứ vụ thiêng liêng trong tư cách là người kế vị thứ 266 của thánh Phêrô. Hình ảnh vị tông đồ cả với chìa khóa và tấm lưới được chạm khắc trên nhẫn không chỉ là lời nhắc về truyền thống, mà còn là một cam kết: giữ vững đức tin, dẫn dắt đoàn chiên, củng cố sự hiệp nhất và mang Tin Mừng đến với thế giới.
Trên tay đức Leo XIV, nó trở thành minh chứng sống động cho lời mời gọi thiêng liêng: mang một truyền Giáo hội trên đôi tay, với tất cả năng quyền, phục vụ khiêm nhu và tình yêu không điều kiện.
Chiếc nhẫn không đơn thuần là một vật trang sức. Mang nhẫn ngư phủ, vị giáo hoàng như mang cả giáo hội trên tay mình.
John Pham