Trong thinh lặng của mật tuyển viện, một Giáo hội đang học cách sống với mạng xã hội

Vinh — Khi cánh cửa dày của nhà nguyện Sistine sắp đóng lại để bắt đầu một kỳ mật nghị hồng y — nghi thức long trọng chọn người kế vị thánh Phêrô — một truyền thống hàng thế kỷ vẫn được duy trì: sự im lặng tuyệt đối, cắt đứt với thế giới bên ngoài.

Nhưng bên ngoài bức tường đá cổ, một thực tế mới đang hình thành: lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại, các hồng y bước vào mật tuyển viện trong vai trò những nhân vật được theo dõi, chia sẻ và gắn hashtag.

Từ Rôma đến Tokyo, từ instagram đến facebook, hình ảnh các vị hồng y chụp selfie, chia sẻ lịch trình, và tương tác với giáo dân đang định hình một diện mạo khác thường — và chưa từng có — cho kỳ mật nghị lần này.

Trong một bài đăng trên mạng xã hội, hồng y Tarcisio Kikuchi của Tokyo xuất hiện trong xe buýt đưa đón cùng các hồng y khác, tạo cảm giác gần gũi như một chuyến dã ngoại.

Một hồng y khác, Matteo Zuppi của Bologna — người được nhiều nhà quan sát xem là ứng viên tiềm năng cho ngôi giáo hoàng — đã lan truyền trên Instagram chỉ một ngày sau khi đức giáo hoàng Phanxicô từ trần, xuất hiện như một mục tử đi xe đạp, thăm trẻ em tại bệnh viện.

Sự thiếu hụt những cuộc họp thường niên của hồng y đoàn dưới triều đức Phanxicô đã đẩy các “hoàng tử Hội thánh” đến việc làm quen nhau qua mạng xã hội. Trong thế giới kỹ thuật số, dấu hiệu cá tính — từ lối sống đến khiếu hài hước — có thể đóng vai trò không nhỏ bên trong lá phiếu.

Một nhân vật nổi bật khác là hồng y Timothy Dolan của New York. Trong các bài đăng thường xuyên cập nhật trên nền tảng X (twitter), ngài kể lại cuộc sống trong khuôn viên Vatican, chia sẻ hình ảnh qua cửa thánh, đến thăm mộ đức Phanxicô và tham dự tang lễ. Ngài viết: “Cảm ơn anh chị em đã luôn đồng hành trong giai đoạn trọng đại này của Giáo hội”.

Nhưng trong số những “gương mặt mạng xã hội” của Giáo hội, không ai vượt qua được hồng y Luis Antonio Tagle của Philippines — người được giới truyền thông Italy gọi là “Phanxicô châu Á”. Với hàng trăm triệu lượt theo dõi trên các nền tảng facebook hay youtube, Antonio Tagle hiện thân cho một Giáo hội gắn kết, thân thiện và thoải mái với công nghệ số. Một video năm 2019 ghi lại cảnh ngài hát “Imagine” của John Lennon vừa được lan truyền trở lại — làm dấy lên tranh cãi giữa những người trẻ gọi đó là hình ảnh của một giáo hoàng hiện đại và cởi mở, và những nhóm bảo thủ cáo buộc ngài “phản bội giáo lý” dù phần lời gây tranh cãi của bài hát đã bị lược bỏ.

Trong một diễn biến khác thường, tổng thống Mỹ Donald Trump đăng tải một hình ảnh AI mô phỏng ông trong trang phục giáo hoàng — một hành động bị cộng đồng Công giáo ở New York lên án là xúc phạm và không phù hợp với nghi thức long trọng của mật nghị. Hồng y Dolan, dù là người thân cận với ông Trump, đã kín đáo giữ khoảng cách.

Khi các hồng y sắp tiến vào mật nghị, điện thoại sẽ bị khóa lại, mọi hoạt động trực tuyến sẽ lặng im. Nhưng khoảng khắc ngắn ngủi này — nơi mạng xã hội tràn vào một truyền thống tưởng như bất biến — đã đặt ra câu hỏi mới: liệu kỷ nguyên kỹ thuật số sẽ chỉ dừng lại bên ngoài nhà nguyện Sistine, hay đã bắt đầu len lỏi vào cách Giáo hội chọn vị lãnh đạo tiếp theo?

John Pham