GPQN (30/1/2023) – Liên quan đến đức tin, tôi chợt nghĩ đến biến cố cuộc đời thánh Augustinô – một trong những giáo phụ tên tuổi của Giáo hội, sống giữa thế kỷ thứ IV–V sau Chúa Kitô – nghĩ đến cuộc trở lại mà chắc chắn có sự góp phần không nhỏ trong việc nghe hát thánh vịnh và thánh ca trong các buổi phụng vụ do thánh Ambrôsiô chủ sự. Thật vậy, nếu đức tin luôn nảy sinh từ việc lắng nghe Lời Chúa – một sự lắng nghe không chỉ bằng giác quan mà còn đi từ giác quan đến trí tâm – thì không còn nghi ngờ gì nữa, âm nhạc và đặc biệt là bài ca có thể giúp cho việc hát các thánh vịnh và thánh ca khả năng thông truyền nhiều hơn.
Trong số các đặc sủng của thánh Ambôsiô điều đáng chú ý đó là sự nhạy cảm và khả năng âm nhạc, và khi được tấn phong làm giám mục Milan, ngài đã dùng ơn đặc biệt này để phục vụ đức tin và rao giảng Tin mừng. Chứng từ của thánh Augustinô (bấy giờ đang là giáo sư ở Milan, người tìm kiếm Chúa, tìm kiếm đức tin) về vấn đề này rất có ý nghĩa.
Trong cuốn thứ 10 của bộ sách Tự Thú, thánh Augustinô viết: “Quanh quẩn trong trí tôi những bài ca nơi thánh đường vốn lấy đi của tôi những giọt nước mắt khi niềm tin vừa tìm lại được. Và cảm xúc vẫn còn khơi dậy trong tôi cho đến ngày nay không phải là bài hát mà là những ca từ được hát, nếu bạn hát với chất giọng trong trẻo và lên xuống hòa hợp, tôi lại nhận ra lợi ích lớn lao của thực hành này” (33, 50).
Kinh nghiệm về các bài thánh ca của phụng vụ Ambrôsiô mạnh mẽ đến mức khiến thánh Augustinô đã khắc ghi chúng trong tâm khảm và thường trích dẫn chúng trong các tác phẩm của mình; hay đúng hơn thánh Augustinô đã viết riêng một tác phẩm về âm nhạc, De Musica. Ngài khẳng định rằng, không tán thành việc tìm kiếm thứ cảm giác vui thú thuần túy khi hát phụng vụ, nhưng hãy nhận biết rằng âm nhạc và bài hát được soạn kỹ lưỡng có thể giúp ta đón nhận Lời Chúa và nhận được cảm xúc lành mạnh.
Chứng từ trên của Thánh Augustinô giúp chúng ta hiểu thêm điều mà Hiến chế Phụng vụ thánh đã dạy: “Truyền thống âm nhạc của toàn thể Giáo Hội đã kiến tạo nên một kho tàng vô giá, vượt hẳn với mọi nghệ thuật khác, nhất là vì điệu nhạc thánh đi liền với lời ca, góp phần cần thiết hoặc trọn vẹn trong phụng vụ trọng thể” (số 112). Tại sao là “cần thiết và trọn vẹn?” Chắc chắn là không phải vì những lý do thẩm mỹ thuần túy, theo nghĩa hời hợt, nhưng vì nó cộng tác trong việc nuôi dưỡng và diễn tả đức tin nhờ vẻ đẹp của nó, và vì vậy nó làm vinh danh Thiên Chúa và thánh hóa các tín hữu, vốn là mục đích của thánh nhạc (sđd).
Vì chính lý do này tôi muốn cảm ơn anh chị em vì sự phục vụ rất quí giá mà anh chị em đã làm: âm nhạc mà anh chị em thực hiện không phải là một thứ phụ kiện hay chỉ là thứ tô điểm bên ngoài của phụng vụ, nhưng nó chính là phụng vụ. Anh chị em giúp toàn thể cộng đoàn ca ngợi Thiên Chúa, làm cho Lời của Ngài đi vào tận đáy lòng. Anh chị em cầu nguyện bằng bài hát và giúp người khác cầu nguyện, và việc anh chị em tham gia ca hát và cầu nguyện trong phụng vụ là ôm lấy toàn thể thế giới trong việc tôn vinh Đấng Tạo Hóa.
ĐGH. Bênêđictô XVI – Võ Tá Hoàng (chuyển ngữ)