Làng ôm ấp tuổi thơ tôi

GPVO – Tuổi thơ là vùng đất lành mà ai trên đời cũng đã đặt chân bước qua. Ấy là một vùng tâm tưởng trong veo và thuần khiết. Cứ nhìn về ký ức thơ bé, nó sẽ nói cho chúng ta biết mình là ai. 

Tôi ngồi sát vào tuổi thơ, thấy thời gian của mình đang đi và hiện tại cứ lùi dần vào thì quá khứ. Từ thuở nào, làng đã mon men đi vào tiềm thức, trong tự nhiên, thường trực và vô điều kiện. Tôi đã lớn lên cùng ruộng đồng, sông núi, giếng nước trong đầy, mạch ngầm yêu thương như bầu sữa mẹ, chảy tràn nuôi dưỡng hồn người. Để rồi, từ nơi ấy, không bao giờ tôi có thể tự phụ chối bỏ vai trò của làng xóm quê hương trong hành trình thành nhân của mình.

Tuổi thơ tôi được ôm ấp bởi mảnh hồn làng, không phải là một ngôi làng bình thường mà là một ngôi làng đạo mang tên Hướng Phương – nơi eo đất Quảng Bình. Cái tên như mời gọi những người con ở bất cứ phương trời nào cũng luôn hướng về nơi sinh quán. Quảng Bình quê tôi được ví như chiếc đòn gánh, gánh trĩu oằn hai đầu đất nước. Nơi eo thắt biết bao nhọc nhằn, mảnh đất nghèo khó và khắc nghiệt, nổi tiếng với thương hiệu ‘gió Lào cát trắng, đất cằn sỏi đá, đồng chua nước mặn, rốn bão tâm lũ’. Tuy vậy, không phải vì những điều kiện tự nhiên khắc nghiệt nơi đất quê mà làng tôi lại gai góc, thiếu sức sống. Chính đất đai cằn cỗi đã hun đúc con người trở nên chịu thương, chịu khó, biết cải tạo tự nhiên và biết cách vượt lên hoàn cảnh sinh cư. Tôi nghĩ mình cũng đã được thừa hưởng phần nào tố chất vượt khó của con người nơi đây.

Nhờ công khó khai phá của bao thế hệ cha ông, làng tôi giờ được bao bọc bởi những cánh đồng bất tận trĩu nặng những hạt vàng đất quê, bởi đã xa rồi những trũng đất hoang thời khốn khó. Phía sau ngôi làng chạy dài những cánh rừng trùng điệp. Xa xa phía trước, thấp thoáng nhánh sông Gianh như mang lấy huyết mạch, lặng thầm chở nặng trầm tích lịch sử và cốt hồn đất mẹ Quảng Bình. Ở giữa làng, sừng sững ngôi nhà thờ linh thánh, là trái tim của xứ đạo và là cái nôi nuôi dưỡng đức tin cho bao thế hệ nơi đây. Làng trong tôi, với tiếng chuông nhà thờ ngân nga sớm chiều, còn là tiếng vẳng dẫn tôi đi trên con đường tận hiến.

Làng là nơi gắn bó máu thịt nhất. Làng với đất quyện làm một với nhau, là nơi sự sống bắt đầu và tình yêu không bao giờ kết thúc. Hình như ai cũng vậy. Con người trên đời này, chẳng ai từ trên trời rơi xuống, tất cả đều giống nhau ở chỗ đều được sinh ra trên mặt đất. ‘Mảnh hồn làng’ đã ôm ấp trong mỗi người không chỉ có sông núi quê hương, con đường quê với những ngày cắp sách đến trường hay rảo bộ đi đến nhà thờ, những nương ngô bãi mía in sâu dấu chân ba mẹ, những vườn xưa lối cũ, những tiếng lòng thương nhớ, mà còn có cả hình ảnh của những con người dân quê lam lũ. Trong cái khổ, người ta vẫn không quên chắt chiu tình thương mà đối đãi nhau. Dẫu có hợp tan ly tán, làng như là tâm nhĩ – cửa khẩu của dòng máu yêu thương bơm vào trong trái tim. Mỗi khúc quanh trong làng đều thấm đẫm tình người. Làng chính là quê, là nhà, là những người thân thích.

Hồi còn nhỏ, tôi thích chạy dọc những lũy tre trong làng, xem những khúc xanh rì rào khăng khít bên nhau. Tre như là hồn cốt của làng, được trồng nhiều và trở thành tấm lá chắn mỗi mùa bão đến. Tre dễ mọc lại có sức sống mãnh liệt dù có phải chặt đốn nên chúng được trồng khắp nơi. Tre vươn lên giữa làng, tre cũng hiên ngang như thành lũy ven làng, chắn con đập lớn không cho nước manh nha vào đất. Tre là nơi tiếng cười vui tươi hòa dòng nước mát. Ở đó, tôi nghe rõ từng tiếng gầu khua, tiếng nước rơi lõm bõm; tiếng cất vó kéo cá của mấy ông mấy chú vào mùa nước đục. Những kỷ niệm ấy thật nguyên khiết xiết bao!

Một mảnh ký ức rõ nét khác về làng luôn phảng phất đậm nhạt trong tôi là hình ảnh cơn bão quê. Tôi và chúng bạn lớn dần với những cơn bão ấy. Vào mùa nước trút, chớp rạch xé toang bầu trời, những tia sáng như mũi dao sắc lẹm, loang loáng rồi biến mất trong chớp mắt. Sấm sét gầm lên ầm ầm, vang dội như tiếng bom nổ giữa thinh không. Mưa ào ạt trút xuống, đổ rầm rầm trên mái nhà, đập mạnh lên ngọn cây, như thể muốn khuấy động và cuốn phăng tất cả. Thỉnh thoảng, gió ‘soạt’ một cái rõ sắc và bốc ngay một tấm tôn của mái bếp bay lên trời. Gió táp mạnh vào những vườn chuối, vườn ngô xanh tốt, làm chúng gập xuống, lắc lư răng rắc, cành lá bị bẻ gãy trong tiếng vỡ vụn. Nhà tôi có mấy cây ổi lớn, cứ một cơn gió rít qua là ổi thi nhau rơi xuống tự do. Đất như được gieo đều và rắc rải những hạt xanh khổng lồ. Chị em chúng tôi đội nón ra vườn nhặt ổi, mặc cho mưa gió hoành hành. Cảm giác thu hoạch chiến lợi phẩm sau ngày bão thật là tuyệt cú mèo. Trẻ con là vậy, chúng có biết gì đâu, cứ thấy thế là ưng thôi!

Bão xong. Mưa nhẹ hơn, gió bớt gầm gào. Mẹ tôi vội vàng mở cửa ra ngoài công trình phụ phía sau hè nhà. Đàn gà lục tục trong chuồng, đàn lợn reo réo đòi ăn. Mẹ vội vội vàng vàng chạy vào hiên nhà băm ít rau muống dự trữ, đem ra phân phát cho mấy sinh linh tội nghiệp này. Từ trong khung cửa sổ, tôi thấy các con đường đều ngập lụt. Nước xâm xấp vào thềm nhà, loang loáng mặt sân. Cây cối hai bên đường làng đổ nghiêng ngả theo guồng gió khiến cho xe cộ không thể đi lại. Đồng ruộng cũng chìm ngập trong biển nước, mọi thứ đều lặng lẽ chờ đợi. Có những vụ mùa vừa cấy coi như mất trắng. Ba mẹ thì xót xa tặc lưỡi mỗi khi bão về, còn trẻ con chúng tôi thì lại thích thú tận hưởng cái không khí bão. Đứa nào đứa nấy rủ nhau xách xô ra đồng bắt cá, bắt cua. Có đứa nhảy xuống rạch, thi thố lội đua, móc sình liệng nhau làm khuấy động cảnh tiêu điều của ruộng đồng sau những ngày giông.

Mùa bão thì dư dả nước là vậy, chẳng bù cho những ngày hạn ở quê. Các mó nước đều cạn rốc. Ngay đến mấy con đê trong bìa rừng vốn luôn ăm ắp nước thì cũng trơ lòng lổn nhổn sỏi đá. Cứ 6 giờ sáng mà nắng đã chói chang như những trưa hè. Không một cơn gió nào đi ngang qua, thân thiện ghé thăm làng xóm. Cây cối xung quanh đều lặng im rầu rĩ. Đồng ruộng nẻ những vết chân chim và không ít vệt dài sâu hoắm. Đất trơ vài gốc cỏ gấu vàng úa. Chim chóc biến đâu mất hút, vài chú bướm to đậu trên các phiến lá với đôi cánh trơ trơ bất động. Những hôm có gió Lào, cứ ban trưa, trời nắng như thiêu như đốt, gió thổi xác xơ cả rặng cau trước ngõ. Bụi tung mù như khói, đỏ lựng cả một quãng đường đất dẫn vào làng. Đôi khi, tôi lại nghe tiếng tí tách phát ra từ trong bụi tre. Phải chăng cây đang khát quá? Mọi người trong xóm đều đổ xô ra ngoài hiên nhà, trên tay cầm chiếc quạt phe phẩy, miệng í ới bảo nhau: ‘Khi mô mới thấy cơn mưa?’.

Làng tôi là thế đó! Thiên thời, địa lợi làm nên phẩm tính của làng và khí chất con người đất quê. Biết bao kỷ niệm quý giá về làng mà khi chầm chậm nhìn về nơi ấy, tôi không khỏi bồi hồi xuyến xao. Có lúc, tôi đứng một mình bên nhà nguyện trong ráng chiều. Trong ánh mắt xa xăm cứ hiện lên hình bóng quê nhà. Xa làng đã mười mấy năm nay, vậy mà trong mỗi giấc mơ của tôi vẫn luôn chập chờn hình bóng làng xưa với những sợi khói mảnh mai vấn vương khi nắng tắt. Thi thoảng, tôi vẫn mơ mình chân trần chạy nhảy trên con đường nhỏ, rong ruổi khắp các cánh đồng để cắt cỏ chăn trâu hay đi thâu vào những cánh rừng gánh củi về cho mẹ. Và tôi vẫn nghe văng vẳng bên tai tiếng chuông nhà thờ ngân nga, tan loãng vào thinh không, giục giã bước chân của người ngoài đồng, kẻ trong bếp và cả lũ trẻ chúng tôi. Tất cả như đang tái hiện cách sống động trong những thước phim của tâm hồn. Về làng trong tiềm thức, mùi quê xưa như hồn cốt, rưng rức nhớ thương. Vài dòng ký ức nhập nhòe về xóm làng cứ ẩn hiện như thế. Ký ức tuy không liền mạch nhưng đủ để mang tôi rời xa thực tại. Tôi đã cố gắng thu hết bóng hình làng vào tim bởi có những điều đã mãi mãi mất hút vào niềm riêng quên nhớ trong tâm khảm.

Lạ thật! Hồi trẻ nít, cứ hong hóng rời làng đi xa bao nhiêu thì lúc trưởng thành lại háo hức về làng bấy nhiêu. Cái háo hức ấy được vun lên từ nỗi nhớ bất tận. Nỗi nhớ càng đậm sâu thì lòng người càng khắc khoải. Tôi có thể quan sát rất rõ những chuyển động ấy phía bên trong con người mình. Đôi lúc, tôi nhận thấy mình thèm được gột rửa bụi thời gian bằng nước giếng ký ức, soi gương mặt về miền thơ ngây để giãn bớt những nếp lo toan u ẩn trên khuôn mặt trong sứ vụ hiện tại.

Đến nay, mỗi khi quay về, hàng tre trước ngõ đã thu mình dưới lớp xi-măng, những con đường đất nâu đã được phủ kín bê tông phẳng lỳ, không còn những vũng nước đọng bạc trắng trong đêm trăng khi trời mưa vừa ráo tạnh, không còn cảnh tượng lấy đà bật xa qua những vũng trăng ấy. Mặt đất thì mọc lên các nhà cao tầng với đủ loại kiến trúc, quán xá thì nhan nhản khắp nơi. Cảnh sắc cũ xưa đã mặc lên mình chiếc áo mới tự bao giờ, hiện đại hơn nhưng lại lạ lẫm. Dù làng đã đổi thay và cần phải thay đổi để bắt kịp nhịp sống mới, tôi cứ mong ước, truyền thống tốt đẹp của làng vẫn nên được trân quý trong tâm thức của mỗi người con. Con người thì có căn có cốt, làng quê có nét có hồn. Suốt cả một đời người, có mấy ai đi hết được dặm dài hồn đất quê hương? Cái cốt cái hồn ấy định hình phẩm hạnh, tố chất và nguồn nội lực trong mỗi con người. Vì thế, tôi luôn ý thức để mình biết trân quý đất mẹ quê hương. Chân không bám đất, thân mất phương hướng. Quên lối về làng, tôi sẽ đánh mất chính mình. Mất quê là mất nguồn cội. Thực tại được viết bằng quá khứ và những sáng tạo được đặt nền tảng trên truyền thống lâu đời…

Maria Fiat Diệu Huyền, MTG Vinh, trích Hồn đất nắn hồn người