Bài giảng trong thánh lễ cầu cho Đức giáo hoàng Phanxicô ngày 4 tháng 5

GPVO – [Ngày 4/5/2025, tại đền thờ thánh Phêrô, Đức hồng y Protodeacon Dominique Mamberti cử hành thánh lễ Chúa nhật 3 Phục sinh, trong ngày cuối cùng của tuần cửu nhật cầu nguyện cho Đức giáo hoàng Phanxicô. Sau đây là toàn văn bài giảng của ngài. Bản dịch tiếng Việt của Ban Truyền thông giáo phận Vinh.]

Thưa quý hồng y đáng kính,

Anh em thân mến trong hàng giám mục và linh mục,

Anh chị em thân mến,

Phụng vụ Lời Chúa trong ngày cuối cùng của tuần cửu nhật cầu nguyện cho Đức giáo hoàng Phanxicô hôm nay là phụng vụ của ngày Chúa nhật III Phục sinh, và đoạn Tin mừng theo thánh Gioan vừa được công bố thuật lại cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu phục sinh với một số tông đồ và môn đệ bên bờ biển Tibêria. Cuộc gặp gỡ này kết thúc bằng việc Chúa trao sứ vụ cho Phêrô và mệnh lệnh của Người: “Hãy theo thầy!”

Sự kiện này gợi lại phép lạ đánh cá lần đầu tiên được thánh Luca kể lại, khi Chúa Giêsu đã gọi Simon, Giacôbê và Gioan, và báo trước với Simon rằng ông sẽ trở thành “kẻ lưới người như lưới cá.” Kể từ đó, Phêrô đã theo Người – đôi khi trong sự không hiểu, thậm chí trong sự phản bội – nhưng trong cuộc gặp gỡ hôm nay, lần cuối cùng trước khi Chúa trở về cùng Chúa Cha, Phêrô đã nhận lãnh từ Người sứ mạng chăm sóc đoàn chiên của Chúa.

Tình yêu là từ khóa của trang Tin mừng này. Người đầu tiên nhận ra Chúa Giêsu là “người môn đệ được Chúa yêu”, Gioan, và ông kêu lên: “Chúa đó!” – ngay lập tức Phêrô nhảy xuống biển để đến với thầy. Sau khi cùng ăn với nhau – một bữa ăn chắc chắn đã khơi lại trong tâm trí các tông đồ ký ức về bữa tiệc ly – cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và Phêrô bắt đầu: ba lần Chúa hỏi và ba lần Phêrô trả lời.

Hai lần đầu, Chúa Giêsu dùng từ “yêu” – một từ mạnh mẽ – nhưng Phêrô, vì vẫn còn cảm nhận nỗi đau của sự phản bội, đã dùng từ “thương mến” – một cách nói nhẹ nhàng hơn. Lần thứ ba, chính Chúa Giêsu cũng dùng từ “thương mến”, chấp nhận sự yếu đuối của vị tông đồ. Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI đã từng nhận xét về cuộc đối thoại này: “Simôn hiểu rằng Chúa Giêsu chỉ cần tình yêu đơn sơ của ông, tình yêu duy nhất mà ông có thể trao. Chính sự hạ mình của Thiên Chúa đã đem lại hy vọng cho người môn đệ, người từng trải qua nỗi đau của sự bất trung. Từ ngày đó, Phêrô đã ‘theo’ Thầy với ý thức rõ ràng về sự mong manh của bản thân; nhưng sự ý thức ấy không làm ông nản lòng. Ông biết rằng mình có thể tin tưởng vào sự hiện diện của Đấng phục sinh và nhờ đó chỉ cho chúng ta con đường.” [1]

Trong bài giảng nhân dịp kỷ niệm 25 năm triều giáo hoàng của mình, thánh Gioan Phaolô II đã tâm sự: “Hôm nay, anh chị em thân mến, tôi muốn chia sẻ với anh chị em một kinh nghiệm đã kéo dài suốt một phần tư thế kỷ. Mỗi ngày trong tâm hồn tôi đều vang vọng cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và Phêrô. Trong tâm trí, tôi luôn hướng ánh mắt về ánh nhìn hiền từ của Đấng phục sinh. Người, dù biết rõ sự yếu đuối của con người nơi tôi, vẫn khích lệ tôi đáp lại với niềm tin như Phêrô: ‘Lạy Chúa, Chúa biết mọi sự, Chúa biết con thương mến Chúa’ (Ga 21,17). Và rồi Người mời gọi tôi đảm nhận trách nhiệm chính Người đã trao.” [2]

Sứ mạng ấy chính là tình yêu – trở thành sự phục vụ dành cho Giáo hội và toàn thể nhân loại. Phêrô và các tông đồ đã đảm nhận sứ mạng ấy ngay lập tức, với sức mạnh của Thánh Thần mà họ nhận được vào ngày lễ Ngũ tuần, như chúng ta đã nghe trong bài đọc I: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người phàm. Thiên Chúa của tổ tiên chúng ta đã làm cho Đức Giêsu sống lại, Đấng mà anh em đã treo trên thập giá. Thiên Chúa đã tôn Người làm Đầu và Đấng cứu độ.”

Tất cả chúng ta đều khâm phục Đức giáo hoàng Phanxicô – với tình yêu của Chúa và ơn thánh của Người – đã trung thành với sứ mạng đến tận khi kiệt sức. Ngài đã cảnh báo người quyền thế rằng phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người đời, và đã công bố cho toàn thể nhân loại niềm vui Tin mừng về Thiên Chúa giàu lòng thương xót và Đức Kitô là Đấng cứu độ. Ngài thể hiện điều đó qua giáo huấn, các chuyến tông du, các cử chỉ và cả lối sống của mình. Tôi đã ở bên ngài vào ngày lễ Phục sinh, trên ban công của vương cung thánh đường này – chứng nhân cho sự đau khổ của ngài, nhưng hơn hết là cho lòng can đảm và sự kiên định trong việc phục vụ dân Chúa cho đến cùng.

Trong bài đọc II, trích từ sách Khải huyền, chúng ta nghe thấy lời ca tụng mà toàn thể vũ trụ dâng lên Đấng ngự trên ngai và Con Chiên: “lời chúc tụng, danh dự, vinh quang và quyền năng đến muôn thuở muôn đời.” Và bốn sinh vật thưa: “Amen.” Và các vị kỳ lão sấp mình thờ lạy.

Sự thờ lạy là một chiều kích thiết yếu trong sứ mạng của Giáo hội và đời sống của các tín hữu. Đức giáo hoàng Phanxicô thường nhắc đến điều này, chẳng hạn trong bài giảng lễ Hiển linh năm ngoái: “Các đạo sĩ quỳ gối trong lòng mình để thờ lạy. Họ đến Bêlem và khi thấy Hài nhi thì ‘sấp mình thờ lạy’ (Mt 2,11). Một vị vua đến để phục vụ chúng ta, một Thiên Chúa đã trở thành con người. Trước mầu nhiệm này, chúng ta được mời gọi cúi đầu, cúi lòng mình để thờ lạy: thờ lạy Thiên Chúa đến trong sự bé nhỏ, ngự trong sự bình dị của gia đình chúng ta, chết vì yêu thương. Anh chị em thân mến, chúng ta đã đánh mất thói quen thờ lạy, mất đi khả năng được sinh ra từ việc thờ lạy. Hãy tìm lại niềm vui trong lời cầu nguyện tôn thờ. Việc thờ lạy đang thiếu vắng giữa chúng ta.” [3]

Khả năng được sinh ra từ việc thờ lạy đó không khó để nhận ra nơi Đức giáo hoàng Phanxicô. Đời sống mục vụ năng động và vô số cuộc gặp gỡ của ngài đều được xây dựng trên những giờ cầu nguyện dài – được rèn luyện bởi kỷ luật của dòng Tên. Ngài thường nhắc chúng ta rằng chiêm niệm là “một động lực của tình yêu,” nâng chúng ta lên với Thiên Chúa “không phải để tách khỏi trần thế, mà để sống trọn vẹn trong đó.” [4] Và mọi điều ngài làm, ngài đều làm dưới ánh nhìn của Mẹ Maria. Chúng ta sẽ luôn ghi nhớ trong tim mình 126 lần ngài viếng thăm trước ảnh Đức Mẹ bảo trợ thành Roma. Giờ đây, khi ngài an nghỉ gần bên hình ảnh yêu dấu đó, chúng ta phó dâng ngài với lòng biết ơn và tín thác cho sự chuyển cầu của Mẹ Thiên Chúa và Mẹ của chúng ta.

——————————————————-

Ghi chú:

[1] Tiếp kiến chung ngày 24/5/2006;

[2] Bài giảng ngày 16/10/2003;

[3] Bài giảng ngày 6/02/2024;

[4] Bài phát biểu trong buổi tiếp kiến các bề trên dòng Kín Carmel ngày 18 tháng 4 năm 2024.