Dongten.net (28/12/2022) – Mùa Giáng Sinh về len lỏi trong các con phố, len lỏi trong từng ngõ ngách, từng hơi thở của cuộc sống. Trải dài khắp Việt Nam và trên toàn thế giới, tháng 12 đâu đâu cũng rộn ràng bởi những khúc ca vui nhộn và ngập tràn màu sắc của ông già Noel, của tuyết phủ trắng xóa, của những nhánh cây thông xanh rực rỡ… Ngừng lại với vòng quay hối hả của những ngày cuối cùng của năm cũ, vậy có bao giờ bạn tự đặt câu hỏi: Chúa ở đâu trong mùa Giáng Sinh này hay ý nghĩa của Giáng Sinh là gì không? Nhưng thay vào đó, đôi khi chúng ta chỉ mừng lễ Giáng Sinh như là niềm vui hời hợt bên ngoài.
Tại sao tôi lại đặt câu hỏi ấy, bởi chính tôi cũng đã từng đón những mùa Giáng Sinh như thế, chỉ biết trang trí điện, hang đá thật rực rỡ… Tôi cũng giống như bao người giăng đèn khắp các phố phường. Thiên hạ đổ xô đi mua sắm. Truyền thanh truyền hình quảng cáo khuyến mãi đủ mọi mặt hàng, đủ thứ quà tặng và thiệp mừng Giáng Sinh đủ các loại bày bán… đâu đâu cũng có. Khắp nơi mọi chốn trên toàn thế giới, ở nước giàu cũng như tại nước nghèo, từ thành thị cho đến thôn quê, ai ai cũng bảo nhau trang hoàng nhà cửa đường phố… Mỗi lần Giáng Sinh về, gia đình, bạn bè hẹn gặp nhau. Họ vui chơi trò này đến trò khác, ăn uống món này đến món khác… nhưng ý nghĩa của ngày lễ thì hầu như không ai biết.
Tôi nhớ rất rõ, cách đây vài năm, tại một giáo xứ nọ, quý vị chính quyền vào chúc mừng cha chính xứ nhân dịp lễ Giáng Sinh, trên lẵng hoa và gói quà đều in dòng chữ: Chúc mừng Giáng Sinh… Sau khi trao hoa và tặng quà xong, cha xứ không ngần ngại góp ý: “Cảm ơn quý vị rất nhiều về tình cảm của quý vị, nhưng lần sau…nếu các ông có chúc mừng Noel xin các ông thêm vào chữ “Chúa” vào dòng Chúc Mừng Giáng Sinh chứ đừng viết chúc mừng giáng sinh không không vậy. Phải chúc mừng giáng sinh của ai chứ…phải là: (CHÚC MỪNG CHÚA GIÁNG SINH hoặc MỪNG CHÚA GIÁNG SINH) mới đúng chứ!
Quả thật đôi khi chúng ta đón Giáng Sinh nhưng là của ai đó chứ đâu phải mừng sinh nhật của Ngôi Hai Thiên Chúa. Khi chỉ biết chụp hình vui chơi, xem đường phố… mà vô tình hay hữu ý quên mất đón Chúa trong tâm hồn. Xem hoan ca tưng bừng xong lặng lẽ quay lưng đi uống cà phê thay vì đi tham dự Thánh Lễ đêm, đi phượt phố thay thì đi kiệu Chúa Hài Đồng. Và này, người ta trang hoàng phòng tiệc, các cửa hàng thật lộng lẫy, nào cây giáng sinh, nào những quả bóng xinh xắn lủng lẳng trên đó; nào hoa, nào những dây đèn rực rỡ… và ở đó, cũng có rất nhiều hộp quà được gói thật đẹp… Nhưng chúng ta biết không, chẳng có mấy cửa hàng có hình Chúa ở đó, chỉ là cây thông, ông già noel, tuần lộc…có lẽ, họ không thích sự có mặt của Chúa ở đó. Nên mỗi năm, sự việc càng trở nên tồi tệ hơn. Ai ai cũng chỉ nhớ đến những món quà, những bánh trái, đồ ăn thức uống và không ai còn nhớ đến Chúa ở đâu trong mùa Giáng sinh này. Nói cách khác là; Chúa đang ở đâu trong cuộc sống này? Và họ quên mất rằng: chính Chúa Giêsu mới là nguồn gốc và lí do để có ngày mừng lễ này.
Thật ra, Chúa luôn muốn chúng ta cho phép Chúa được vào với mọi người, vào nhà chúng ta, đi vào cuộc đời mỗi chúng ta. Chúa muốn mỗi người trong chúng ta ý thức rằng, đã hơn 2.000 năm, Chúa đã đến trần gian này để trao tặng cho mỗi người một quà tặng là chính mạng sống của tôi trên Thánh Giá hầu cứu chuộc chúng ta. Lễ Giáng Sinh, chúng ta kỷ niệm cuộc hiện diện đầy tình yêu của một vị Thiên Chúa cúi sâu xuống trên thận phận con người. Một tình yêu lớn đến nỗi, làm cho Ngài chấp nhận cách thế hiện diện như chúng ta là người, để chia sẻ đến cùng cái giới hạn của kiếp người bất tất của ta.
Vậy chuẩn bị mừng lễ Giáng sinh, nhìn vào hang đá, ta có cả một bài học xin vâng thế giá như thế, lẽ nào ta còn nghi nan, còn nề hà mà không để Chúa dẫn dắt mình? Và để Chúa ở lại trong cuộc đời ta. Riêng, đối với những Kitô hữu, những gia đình tin nhận Đức Kitô là Đấng Emmanuel, trong những ngày, cần thể hiện niềm tin đó để mừng đại lễ Giáng Sinh cách cụ thể khi: Người vợ sẽ nhìn thấy Đấng Emmanuel trong những vất vả, khổ cực của chồng để sắt son chung thủy. Và chồng thấy Đấng Emmanuel trong bao nhiêu hy sinh, tần tảo sớm hôm của vợ để yêu thương chăm sóc, đỡ nâng. Con cái nhìn thấy Đấng Emmanuel trong cha mẹ để hiếu thảo kính yêu, vâng lời lễ độ. Bạn bè nhìn thấy Đấng Emmanuel trong cuộc đời của nhau để mà sống tử tế, phục vụ và chia sẻ… Mọi người nhìn thấy Đấng Emmanuel trong mỗi giờ kinh nguyện, trong Thánh lễ mỗi ngày, trong nhà tạm với chiếc đèn hiu hắt, trong tòa giải tội để đợi chờ thứ tha, trong cộng đoàn để hiệp thông…Và như thế, lễ Giáng Sinh của chúng ta, của những người Kitô hữu, sẽ không trở thành một lễ hội ăn chơi đua đòi mà là một gặp gỡ đổi đời nên thánh.
Đó là những suy nghĩ của riêng bản thân tôi, còn bạn…bạn có suy nghĩ gì về Chúa Hài Đồng ở đâu trong mùa Giáng Sinh này và trong cả cuộc đời của bạn…?
Nguyễn Nguyễn Hà An