Tham dự giờ canh thức cầu nguyện cũng có các đại diện của dân tộc Ucraina và các tổ chức bác ái của giáo phận Rôma. Đức Hồng y De Donatis nói với họ: “Chúng ta không ở đây để ăn mừng, chúng ta ở đây để kêu cầu Chúa! Tất cả chúng ta ở đây vì chúng ta có một ước muốn mạnh mẽ, mãnh liệt và sâu sắc trong trái tim mình: đó là hòa bình!”
Đức Hồng y Giám quản Rôma nhắc lại một năm trong đó “chúng ta đã cầu nguyện xin hòa bình, chúng ta đã khóc với những người tị nạn của cuộc chiến tàn ác này, chúng ta đã chào đón họ” và trong đó những ngọn gió chiến tranh, “thay vì tắt đi, lại bùng lên một cách đe dọa và điên rồ.”
Lòng thương xót
Yaroslava, 21 tuổi, đến từ Kharkiv, nơi cô tình nguyện giúp đỡ những người vô gia cư trong thành phố. Sau chiến tranh, cô chạy đến Dnipro, nơi cô bắt đầu cầu nguyện trực tuyến với Cộng đồng Thánh Egidio, trước khi được đón nhận và đến Ý. Trong phần trình bày chứng từ, cô chia sẻ: “Lòng thương xót được sinh ra từ lời cầu nguyện và lòng thương xót dễ lây lan.” Giờ đây những người tị nạn cũng đã bắt đầu làm việc tình nguyện như cô.
Một người khác là Olga, một nhà tâm lý học đến từ Lviv, đã học ở Rôma trước khi trở về Ucraina. Vào tháng 3 năm ngoái cô đã chạy trốn “khỏi nỗi kinh hoàng của cuộc chiến khủng khiếp”. Giờ đây, cô hỗ trợ tâm lý từ xa cho những người còn ở lại trong nước và giúp đỡ những người tị nạn đã đến miền Lazio. “Sống với cái đầu lạnh và trái tim cháy bỏng”, điều này đã trở thành phương châm sống của cô.
“Sự tồi tệ nhất của hòa bình” vẫn luôn tốt hơn “điều tốt nhất của chiến tranh”
Đức cha Pero Sudar, nguyên Giám mục phụ tá của Sarajavo, nhắc lại: “Tất cả các cuộc chiến tranh đều gây ra tổn thất về tinh thần, văn hóa và vật chất cho nhân loại.” Chiến tranh “không giải quyết được vấn đề gì, mà còn làm cho khó khăn và căng thẳng trầm trọng thêm” và “sự tồi tệ nhất của hòa bình” vẫn luôn tốt hơn “điều tốt nhất của các cuộc chiến tranh.”
Hòa bình là con đường duy nhất có thể xây dựng tương lai
Đức Hồng y De Donatis cũng nói với họ rằng: “Chúng ta biết rõ rằng ngày nay con đường đơn giản nhất để đi dường như không phải là con đường hòa bình mà là con đường chiến tranh. Nhưng con đường khó khăn nhất, tức là con đường hòa bình, là con đường duy nhất có thể xây dựng tương lai”. Ngài kết luận: “Ngày nay, như Đức Thánh Cha nói, chúng ta phải loại bỏ chiến tranh khỏi lịch sử loài người, nếu không chiến tranh sẽ loại bỏ loài người khỏi lịch sử.”
Hồng Thủy