GPVO (1/1/2023) – Tôi ca không hay, tôi đàn nghe cũng dở! Ai quen tôi đều biết rõ điều này mà. Biết vậy nhưng vẫn thích ca hát. Ca hát cho vui với đời và cũng có khi diễn tả cảm xúc qua lời ca tiếng hát của mình.
Tình cờ, lạng trên mụm bài “Mẹ tôi”, thế là hát thôi.
Thi thoảng mở bài hát đó nghe lại vì … nhớ mẹ. Mở volum hơi lớn nên dưới nhà nghe được và rồi cha anh bảo: “Tao làm mệt muốn chết mà nó cứ mẹ ơi con đã già dzồi con đã già dzồi ! Mày già kệ mẹ mày chứ !” (ngôn ngữ bình dân trong nhà chứ không phải ăn nói mất lịch sự – xin đừng hiểu sai).
Tôi biết ngài chọc cho vui thôi ! Mà cũng đúng! Cao tuổi nhưng khỏe nên làm nặng mệt thấy bà cố mà có đứa cứ nghêu ngao. Thật ra thì thằng nhỏ muốn làm nhưng sức yếu nên chỉ làm cameramen thôi. Vậy mà vui ! Kẻ làm người hát và quay clip cho vui cửa vui nhà đó mà.
Cha anh nói vậy thôi chứ biết tỏng tòng tong thằng nào (cũng là ngôn ngữ bình dân) mà không nhớ mẹ. Ngày giỗ của mẹ thì cha vẫn về căn nhà xưa để nhớ mẹ và dâng lễ cầu nguyện cho bà cố mà.
Bà cố mất ngày dễ nhớ: 8 – 3. Thế là cứ đến ngày đó con cháu trong gia đình quy tụ lại với nhau để nhớ bà cách đặc biệt hơn trong ngày giỗ.
Bà cố sinh trước mẹ tôi 1 thập kỷ. Cùng với ông, bà đã nai lưng ra nuôi 14 đứa con, trong đó có 3 “đứa” dâng đời mình cho Chúa là cha anh, cha bác và một nữ tu Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn.
Ông bà cố hay thật ! 14 người và vuông tròn cả 14.
Cha anh nói thế (mày già kệ mẹ mày chứ) và tôi thầm nghĩ trong lòng: “Ai mà không nhớ mẹ! Ông cũng nhớ bà cố chứ ở đó mà nói tui”.
Thật thế ! Chả ai mà không nhớ mẹ. Đơn giản là vì mẹ đã sinh ra ta cũng như nuôi dưỡng ta thành người. Và với tâm tình đó, trong bài hát tôi lại hát hết sức tâm tình :
Mẹ ơi con đã già rồi còn ngồi nhớ mẹ khóc như trẻ con
Mẹ ơi con đã già rồi còn ngồi ngớ ngẩn nhớ ngôi nhà xưa
Phận làm người, đố ai mà không nhớ mẹ, và nhớ nhất là những năm tháng còn thơ, cách đặc biệt trong thời bao cấp.
Thời bao cấp là thời khó có thể phai cho những ai sống trong thời đó. Có thể nói đa phần là thiếu trước hụt sau hay ăn trước trả sau như gia đình tôi. Dù thế, mẹ vẫn mãi mãi là mẹ.
Năm học cuối cấp III, nhà trường bắt tụi con trai phải mang dép quai hậu. Mẹ nghèo nhưng không “chơi” quai hậu. Với mẹ, phải đi cho bằng được đôi giày Adidas mẹ mới chịu cơ.
Quần áo thì khỏi nói. Thợ may mà, mẹ luôn may cho những bộ quần áo thật đẹp để cho con mình đỡ tủi thân. Chưa hết, thời thập niên 80, ai ở Sài Gòn chắc nhớ con đường Tạ Thu Thâu. Tạ Thu Thâu là con đường nhỏ ở cạnh chợ Bến Thành. Tuy Tạ Thu Thâu nhỏ nhưng có võ. Trên con đường nhỏ ấy đủ thứ hàng ngoại nhập.
Dù già, dù có tuổi nhưng không quên chiếc dây nịt, quần Jean Levis và áo cá sấu. Chả phải 1 màu nhưng rồi có màu nào là mẹ “chơi” màu đó cho con.
Với tất cả những điều đó, đám bạn cùng lớp cũng phải nể tôi. Mà thật ra không nể tôi, chúng nể tôi vì tối có một người mẹ tuyệt vời.
Mẹ tôi là thế, giống như bao mẹ quê, vất vả tư bề nhưng mẹ không để cho con của mẹ phải thua thiệt. Mẹ có thể nhịn ăn nhịn mặc nhưng mẹ không để cho con mẹ thiếu.
Đang “có thời” bỗng dưng mẹ tạ thế ! Tất cả mọi sự đều trở về con số 0 tròn trĩnh vì không có mẹ. Mẹ mất đi coi như là mất tất cả.
Tánh kỳ ! 21 tuổi mà vẫn rúc vào trong lòng mẹ như trẻ con.
Tánh kỳ ! 21 tuổi vẫn ngủ chung với mẹ cho đến gần 1 tháng mẹ đau bệnh mới rời xa mẹ mà thôi!
Phận người và như định mệnh ! Mẹ ra đi khi tuổi còn khá trẻ và con cái chưa ổn định, nhất là tôi khi ấy mới bắt đầu năm thứ 2 của Đại học. Dù đi xa nhưng cái tình, cái sự ủ ấp, cái sự lo lắng vỗ về của mẹ vẫn như thế và có khi còn hơn như thế khi mẹ còn sống.
Ngày qua ngày, lớn lên trong tình yêu thương và sự quan phòng của Chúa cùng với sự đỡ nâng của bao người và nhất là sự đồng hành thiêng liêng của mẹ. Tôi cùng các anh các chị và các cháu lớn lên cũng như dần ổn định trong cuộc sống.
Với người ta, cuối năm có thể vui nhưng với tôi và gia đình, cuối năm là những ngày hình ảnh những ngày cuối đời của mẹ lại tràn về. Ngày mà người ta tưng bừng mừng Lễ Giáng Sinh là ngày mà gia đình tôi chuẩn bị hậu sự khi mẹ bỏ ăn vài ngày trước đó.
Giờ đây có viết bao nhiêu chữ cũng không vừa, gõ bao nhiêu phím trên bàn phím cũng như không. Như không vì lẽ làm sao có thể diễn tả hết được tình của mẹ.
Tôi vẫn thốt lên:
Mẹ ơi thế giới mênh mông, mênh mông không bằng nhà mình
Tuổi thơ như chiếc gối êm, êm cho tuổi già úp mặt.
Dù cho phú quý vinh quang, vinh quang không bằng có mẹ.
Vâng ! Dù cho phú quý vinh quang nhưng rồi mỗi khi về nhà lại là không có mẹ. Và lại càng nhớ mẹ và khóc như trẻ con vì những công lao không bao giờ bù đắp được cho mẹ. Tánh kỳ! Già rồi mà vẫn cứ còn nhớ mẹ.
Lm. Anmai, CSsR