Phanxico.vn (6/10/2023) – Nhiều sự kiện được tổ chức bên lề cuộc họp ở Rôma về tương lai của Giáo hội. Từ Rôma, các phóng viên đặc biệt của chúng tôi theo dõi Thượng hội đồng và kể cho quý độc giả nghe những chuyện bên lề này. Trong con mắt của thượng hội đồng.
Thượng hội đồng vừa khai mạc bước qua ngày thứ nhì hôm nay, thứ năm 5 tháng 10 với phiên họp hoàn toàn kín. Theo quy định nội bộ được công bố chiều thứ tư 4 tháng 10, bây giờ Thượng hội đồng phải giữ hình thức “kín đáo” với các chủ đề của họ hoặc của người khác thảo luận ở Hội trường Phaolô VI, các phiên họp sẽ kết thúc ngày chúa nhật 30 tháng 10. Trong bài phát biểu ngày khai mạc, Đức Phanxicô đã xin 364 tham dự viên “nhịn” nói trước công chúng, rõ ràng là cấm nói với các nhà báo, dĩ nhiên các nhà báo đều muốn đưa tin về sự kiện lịch sử này của Giáo hội công giáo. Hàng trăm phóng viên được công nhận, phải bằng lòng với chương trình của Phiên họp, trong đó các nhóm luân phiên làm việc và thuyết trình trước mặt tất cả các thành viên.
Các sự kiện và các biểu tình
Nhưng các cuộc thảo luận về tương lai Giáo hội không chỉ giới hạn trong phạm vi các bức tường của Hội trường Phaolô VI. Kể từ khi bắt đầu Thượng hội đồng, nhiều nhóm công giáo đấu tranh thuộc mọi khuynh hướng đã về Rôma. Và giống như trong các hội nghị thượng đỉnh quốc tế, nơi các nhà lãnh đạo thảo luận với nhau sau cánh cửa đóng kín, cách đó vài trăm mét, những người khác cố gắng để tiếng nói của họ được lắng nghe. Đây là trường hợp xảy ra ngày thứ ba 3 tháng 10 khi những người phản đối Thượng hội đồng tập trung tại một nhà hát cách Quảng trường Thánh Phêrô một đoạn ngắn, có sự hiện diện của hồng y Burke và hồng y Sarah. Và đây cũng là trường hợp của các nhóm khác đang kêu gọi cải cách Giáo hội, đặc biệt là từ Hoa Kỳ.
Mạng lưới “We Are Church” (Chúng tôi là Giáo hội) cũng đang tổ chức các sự kiện ở Rôma trong suốt tháng 10, bên lề cuộc họp được tổ chức tại Vatican. Các buổi hội thảo về chống tội phạm ấu dâm, cũng như vận động cho việc phong chức phụ nữ hoặc bảo vệ nhân quyền trong Giáo hội công giáo đều có mặt trong chương trình, hầu hết ở mọi nơi trong thành phố. Mạng lưới hoạt động xuyên Đại Tây Dương, ở Đức nhưng cũng ở Ý, cũng đã tổ chức một cuộc hành hương vào cuối tháng 9.
Đây cũng là trường hợp của “Hội thảo Truyền chức cho Phụ nữ”, trong đó các thành viên mặc áo t-shirt màu hồng, đã tổ chức nhiều sự kiện không xa Castel Sant’Angelo. Một cuộc biểu tình khác dự kiến tổ chức ngày thứ sáu 6 tháng 10 với khẩu hiệu: “Đức Phanxicô, phụ nữ phải chờ đợi bình đẳng bao lâu nữa?” và “Chống lại chế độ phụ hệ là vâng lời Thiên Chúa”. Đây cũng chính là những người đã biểu tình với cùng một mục đích trong hội nghị ở Rôma tháng 8 năm 2022.
Tại Thượng hội đồng, cuộc cách mạng của giáo dân
Những “chương trình” này, dù nguồn gốc như thế nào, rõ ràng là để thể hiện mối quan tâm muốn chia sẻ với những người công giáo trên toàn thế giới. Nhưng cũng nhằm mục đích tạo áp lực với các cuộc tranh luận đang diễn ra giữa các nghị phụ nghị mẫu thượng hội đồng. Một ảnh hưởng mà ngày nay khó có thể đo lường được tác động của nó, khi những người tham dự được yêu cầu đóng tất cả các cửa lại. Một trong số họ nói: “Trong một tháng, tôi quyết định không đọc bất cứ điều gì nói về Thượng hội đồng.” Một cách bảo vệ họ khỏi mọi ảnh hưởng từ bên ngoài.
la-croix.com, Loup Besmond de Senneville, Rôma, 2023-10-05 (Marta An Nguyễn dịch)