Phanxico.vn (13/1/2024) – Tổng Giám mục Pascal Wintzer phản ứng trước việc xuất bản tài liệu Fiducia supplicans mở cánh cửa chúc phúc cho các cặp đồng tính. Ngài nhắc lại, đây là vấn đề luật pháp hơn là đạo đức hay cảm xúc, đồng thời nhấn mạnh Giáo hội không xem người đồng tính là “những tội nhân thâm căn cố đế”.
Tổng Giám mục Wintzer tin rằng: “Bằng cách mở khả năng chúc phúc cho những người muốn thực hiện những lựa chọn nhân bản này, Giáo hội Công giáo đang chọn trở thành sứ giả của Thiên Chúa, Đấng “nói những điều tốt lành” về những người này”.
Các cuộc tranh luận chính đáng nảy sinh liên quan đến tài liệu Fiducia supplicans của bộ Giáo lý Đức tin mang lại cơ hội để đưa ra một số giải thích rõ ràng cho phép chúng ta xác định vị trí tốt hơn của văn bản Rôma, đặc biệt là làm sáng tỏ hơn về mối quan hệ giữa con người với nhau.
Vấn đề của những tình huống “bất thường”. Tính từ này bị cho như bêu rếu những người bị gạt ra ngoài lề xã hội, những người đồng tính, những người tái hôn dân sự sau khi ly dị. Khó khăn xuất phát từ việc tính từ này bị hiểu là đưa ra một phán xét đạo đức, nhưng nó phải được hiểu theo chính ý nghĩa của nó, một tình huống pháp lý. Thực sự có thể không đáp ứng được cho giới luật pháp mở ra cho bí tích hôn nhân trong Giáo hội Công giáo. Cả các văn bản Tân Ước và việc thực hành sau này của Giáo hội đều hiểu hôn nhân, một trong bảy bí tích, là sự kết hợp của một người nam và một người nữ, trọn hiến cho nhau vì sự sống, một cách bất khả phân ly.
Luật pháp, không phải cảm xúc
Trong nhiều thế kỷ, điều này tương ứng với mối liên kết xây dựng gia đình, xã hội, bảo đảm việc truyền dòng dõi cũng như của cải, đồ đạc và nhà cửa… và hơn thế nữa, nếu họ yêu nhau! Chỉ gần đây, đặc biệt là ở phương Tây, hôn nhân trước hết mới trở thành biểu hiện của một liên kết lãng mạn, dẫn đến việc loại bỏ tất cả các yếu tố khác, hoặc thậm chí xem chúng dưới khía cạnh tiêu cực. Vì vậy, khi nói đến “tính bình thường”, quả thực chúng ta đang nói đến luật pháp chứ không phải tình cảm, thậm chí còn kém hơn cả đạo đức tốt đẹp.
Thực ra, đây không phải là vấn đề mở bí tích hôn nhân cho những người đã kết hôn, đã ly dị, bây giờ muốn ký kết một bí tích hôn nhân mới; điều này không thể thực hiện được. Tương tự như vậy, bí tích này giả định là một ràng buộc giữa người nam và người nữ, chứ không phải hai người cùng giới tính. Bằng cách mở ra khả năng chúc phúc cho những người thực hiện những lựa chọn nhân bản này, Giáo hội Công giáo tin rằng Thiên Chúa không lên án họ, không xem họ là những tội nhân thâm căn cố đế; Giáo hội chọn làm sứ giả của Thiên Chúa, Đấng “nói những điều tốt đẹp” về những người này và đồng hành với những mối dây ràng buộc của họ. Sẽ là một hình thức đạo đức giả nếu phân biệt giữa con người, chỉ được xem là cá nhân, và điều gì có tính quyết định đối với cuộc sống của họ, ở đây là sự lựa chọn như một cặp vợ chồng, như một gia đình.
Ảnh hưởng tai hại của phương Tây?
Về việc từ chối chấp nhận các đề xuất của Rôma, nó có nhiều thứ trật khác nhau. Đặc biệt là với các quốc gia phía Nam, chủ yếu là châu Phi cận Sahara, có điều gì đó xung đột với lối suy nghĩ địa phương, được chia sẻ bởi cả chính quyền chính trị và tôn giáo. Tuy nhiên, đồng tính là một thực tế ảnh hưởng đến nam giới và phụ nữ chứ không phải là kết quả của ảnh hưởng xấu từ phương Tây. Không hề là một trụy lạc – trụy lạc là một căn bệnh tâm lý hoặc một lỗi lầm đạo đức – đồng tính là một sự thật. Nhắc lại điều này góp phần vào việc thừa nhận có một cái gì đó phổ quát trong nhân loại, chứ không chỉ đơn giản là một cái gì đó mang tính văn hóa. Các tín hữu kitô tin vào Thiên Chúa sáng tạo không thể đặt câu hỏi về tính phổ quát vốn thiết lập phẩm giá của mỗi con người, bất kể giới tính, tôn giáo, ý kiến và thậm chí cả khuynh hướng tình dục của họ. Sự lựa chọn của Rôma cho thấy, theo Tòa Thánh trong trường hợp này, đó là tính phổ quát của con người. Theo một nghĩa nào đó, phẩm giá của con người và sự tôn trọng quyền lợi của họ không thể bị sửa đổi theo thiện chí của người này hay của người kia.
Một lý do khác để từ chối chúc lành cho các cặp đồng tính, và chắc chắn còn hơn thế nữa ở phương Tây, là “gương xấu” mà điều này có thể gây ra cho trẻ em và giới trẻ. Tôi có thể hiểu các cha mẹ có thể lo sợ con của họ có thể phát hiện ra mình là người đồng tính, nhưng làm sao chúng ta có thể nghĩ rằng một giáo dục nghiêm ngặt và đặc biệt là những giới luật tôn giáo sẽ có sức nặng khi đối diện với những gì một người trẻ khám phá về bản thân mình? Những thái độ như vậy có thể gây ra chứng loạn thần kinh, cả ở người người trẻ lẫn cha mẹ.
Để thể hiện sự sáng tạo
Fiducia supplicans đưa ra sự khác biệt về các hình thức mà các phép lành này có thể thực hiện, nhưng trên hết mời gọi các Giáo hội địa phương, tính đến các chi tiết được văn bản này cung cấp, hãy thể hiện tính sáng tạo. Chắc chắn các giáo phận của Pháp, dựa vào những thực hành của họ, liên quan đến những gì tồn tại vì lợi ích của các cặp tái hôn, người đồng tính, cũng như những tang lễ, có thể nhấn mạnh với các thừa tác viên thụ phong, họ không phải là những người duy nhất có khả năng trở thành chứng nhân cho tình yêu của Chúa dành cho con người. Giáo dân và những người thánh hiến, nhân danh bí tích rửa tội và sứ mệnh đã lãnh nhận, có thể trở thành chứng nhân của Thiên Chúa và Giáo hội, và là người mang phúc lành của Thiên Chúa hoặc sự hiện diện yêu thương đơn giản của Ngài giữa dân chúng, trong những gì họ sống sâu sắc trong cuộc sống của họ. Và khi nói đến “sự hiện diện” không hề giảm thiểu những gì được diễn tả, từ này là cách mà chính Thiên Chúa mạc khải chính Ngài cho ông Môsê (x. Exodus 3, 14).
Cuối cùng, vì nó liên quan đến việc phân biệt các từ nên nguồn gốc của sự nhầm lẫn nằm ở chính hôn nhân. Đó thực sự là một thực tế được diễn đạt theo nhiều cách khác nhau – điều tương tự cũng có thể được nói về từ “gia đình”. Như vậy, trước khi là một bí tích, hôn nhân là một thực tại tự nhiên, một trong những cách diễn đạt căn bản nhất diễn tả nhân tính là mối liên kết giữa hai hữu thể. Do đó, đối với người công giáo, sẽ có ích nếu thể hiện rõ hơn sự khác biệt này bằng cách chứng minh nhiều hơn những gì là nguồn gốc của bí tích.
Chắc chắn những khác biệt về từ ngữ và ý nghĩa của chúng có thể chỉ là thứ yếu khi xem xét các vấn đề đang được tranh luận. Tôi muốn nói đến, bằng cách hiểu rõ hơn những gì chúng ta nói, thể hiện sắc thái, chúng ta sẽ có thể tôn vinh mọi người tốt hơn.
la-croix.com, Pascal Wintzer, 2024-01-09 – Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch