WHĐ (22/02/2025) – Ngày 08.09.2015, Đức Giáo Hoàng Phanxicô công bố Tự sắc Mitis Iudex Dominus Iesus, Chúa Giêsu Thẩm phán Nhân từ. Ngày 05.02.2016, theo chỉ thị của ngài, Toà án thượng thẩm Rota Romana phổ biến tập tài liệu Sussidio applicativo del Motu pr. Mitis Iudex Dominus Iesus, để giải thích việc áp dụng Tự sắc. Cả hai văn kiện này không nêu lên một thay đổi nào về tín điều hay giáo lý của Giáo Hội, nhưng cả hai đều chủ yếu đề cập tới việc cải cách về tổ chức toà án và thủ tục khiếu kiện hôn nhân bất thành.
Giáo Hội Công Giáo theo lời dạy của Chúa Kitô: “Sự gì Thiên Chúa đã liên kết loài người không được phân ly”. Khi kết hôn, người Công Giáo thề, nhân danh Thiên Chúa, sẽ yêu thương tôn trọng người vợ hay chồng của mình suốt đời; và tin rằng lời thề hôn nhân sẽ tồn tại cho đến khi một trong hai người qua đời. Hôn nhân là một giao ước hay khế ước song phương giữa hai người kết hôn. Trong một số trường hợp, khi cử hành nghi thức hôn phối, hay ký kết giao ước, có một sự kiện hay một lý do nghiêm trọng làm cho một hoặc cả hai người không thể kết hôn hay làm cho lời thề kết hôn của họ không có hiệu lực. Lúc đó, Giáo Hội công bố giao ước hôn nhân bất thành ngay từ đầu hay không hề có hôn nhân. Việc công bố này do Toà Án Hôn Phối Giáo Phận thực hiện sau một quá trình điều tra và biểu quyết dựa trên những chứng cứ chắc chắn.
Theo thiển ý của chúng tôi, Tự sắc mới sẽ đem lại những ảnh hưởng đáng kể trong Giáo Hội tại Việt Nam, cả về mục vụ giáo xứ lẫn hoạt động xét xử các khiếu kiện về hôn nhân bất thành.
I. Ảnh hưởng trên hoạt động mục vụ
1. Hoạt động mới của Hội đồng Giám mục Việt Nam
Tự sắc mời gọi Hội đồng Giám mục “ý thức mạnh mẽ trách nhiệm chia sẻ với nhau công việc cải tổ nói trên…”[1]. Việc “trả thù lao đúng đắn và xứng đáng cho các nhân viên toà án” và “lo sao cho các thủ tục được miễn phí” không gây ảnh hưởng gì đáng kể tại Việt Nam. Tuy nhiên, Hội đồng Giám mục Việt Nam sẽ có các hoạt động mới:
– Đức Giáo Hoàng mong muốn “Giáo phận, hay nhiều giáo phận cùng nhau,tùy theo những nhóm đang có, có thể thiết lập một tổ chức bền vững nhờ đó cung cấp dịch vụ tư vấn này và, nếu cần, soạn thảo một tập cẩm nang (vademecum) bao gồm những yếu tố thiết yếu giúp tiến hành việc điều tra sơ khởi này (vụ án hôn nhân bất thành) một cách thích đáng nhất”[2]. Cẩm nang này hướng dẫn việc đồng hành và tư vấn cho những Kitô hữu đã ly thân hay ly dị; đồng thời, trong một vài trường hợp, có thể “thu thập những dữ kiện hữu ích” cho quá trình khiếu nại hôn nhân bất thành[3]. Như vậy, Hội đồng Giám mục cần hỗ trợ các vị Giám mục giáo phận, bằng cách nghiên cứu: 1- việc tổ chức một “tổ chức”, cơ quan hay văn phòng để đồng hành và tư vấn; 2- một “cẩm nang” mẫu cho những người có trách nhiệm tư vấn.
– Một điểm mới của Tự sắc là tái lập việc kháng án lên toà Trưởng giáo tỉnh[4]. Trước đây, sau phán quyết của toà án Cấp I (sơ thẩm), chỉ có thể kháng án lên toà án Cấp II (phúc thẩm) đã được ấn định hay lên toà án Cấp III tức Toà thượng thẩm Rota Romana. Hiện nay, vị Giám mục giáo phận có thể trực tiếp ra phán quyết hôn nhân bất thành; không qua thủ tục chính thức của toà án Cấp I. Sau phán quyết của vị Giám mục, những người có liên hệ có quyền kháng án hay khiếu nại lên vị Giám mục Trưởng giáo tỉnh hay trực tiếp đến vị Giám mục Roma. Nếu phán quyết là của vị Giám mục Trưởng giáo tỉnh, có thể kháng án lên vị Giám mục thâm niên nhất trong giáo tỉnh. Theo yêu cầu của Tự sắc, Hội đồng Giám mục cần xác định lạitổ chức các toà án tại Việt Nam và các nơi kháng án theo giáo tỉnh.
2. Hoạt động “mới” của vị Giám mục giáo phận
Tự sắc nhấn mạnh hai trách nhiệm của vị giám mục: 1- vai trò mục tử để đồng hành là chăm sóc cho những người Kitô hữu gặp khủng hoảng; 2- vai trò thẩm phán duy nhất của giáo phận[5]. Trên lý thuyết Giáo Hội học, cả hai trách nhiệm này không mới, mà là nhiệm vụ đương nhiên của vị giám mục khi ngài là người kế vị các Tông đồ. Tự sắc nhấn mạnh vị giám mục là thẩm phán do quyền thánh chức (potestà sacramentale).Trái lại, các thẩm phán khác hay vị đại diện tư pháp có quyền xét xử là do được giám mục bổ nhiệm. Giám mục có quyền và có trách nhiệm đích thân làm thẩm phán. Như vậy, khi Tự sắc được áp dụng, vị giám mục sẽ có thêm các hoạt động “mới”:
– Vị giám mục cần quan tâm nhiều hơn đến mục vụ cho những người đã ly thân hay ly dị. Trước đây tại Việt Nam, đặc biệt tại những vùng giáo dân sống thưa thớt và xen kẽ với lương dân, việc mục vụ cho những gia đình “rối” luôn được xem như một trách nhiệm chính của các linh mục[6].Sau thời gian gián đoạn do những xáo trộn về xã hội từ năm 1945 đến nay, công tác mục vụ đặc biệt này tại Việt Nam đang cần xem xét lại.
– Vị giám mục có trách nhiệm tổ chức toà án cho giáo phận. Theo Tự sắc, Giáo Luật điều 1672 mới cho phép người giáo dân nộp đơn khiếu kiện ngay tại giáo phận của mình, theo tiêu chuẩn ưu tiên cho nơi nào gần nhất cho họ[7].
– Vị giám mục có quyền đương nhiên thiết lập toà án giáo phận chỉ có một chánh án duy nhất, thay vì toà án tập đoàn có ba thẩm phán[8]. Hiện nay, các toà án Cấp I tại Việt Nam đều được thiết lập với một chánh án duy nhất, nhưng do đặc ân sau khi đã xin miễn chuẩn của Toà Thánh.
– Vị giám mục có quyền trực tiếp ra phán quyết công bố hôn nhân bất thành, mà không qua thủ tục thông thường của toà án giáo phận. Khi cả hai người kết hôn đều muốn xin và trường hợp hôn nhân bất thành của họ khá rõ ràng, vị Giám mục có thể nhờ một giáo dân điều tra vắn tắt; sau khi đã hỏi ý vị Bảo hệ, Giám mục có quyền đích thân (personalmente) ra phán quyết công bố hôn nhân bất thành[9].
3. Hoạt động “mới” của linh mục chính xứ
Trên lý thuyết Giáo Luật và thần học mục vụ, đây là những hoạt động nằm trong lãnh vực trách nhiệm của vị linh mục chính xứ. Tuy nhiên, Tự sắc nhấn mạnh lại: đây là trách nhiệm “của chính linh mục quản xứ hay người đã chuẩn bị cho các đôi hôn phối cử hành lễ cưới”[10].
– Linh mục quản xứ có trách nhiệm đồng hành và tư vấn cho những tín hữu đang gặp hoàn cảnh khó khăn, để giúp họ vượt qua cơn khủng hoảng.
– Linh mục quản xứ có trách nhiệm “điều tra sơ khởi” khi “người tín hữu đã ly thân hay ly dị mà có nghi ngờ hay xác tín hôn nhân của họ bất thành”. Mục đích của việc điều tra sơ khởi này là để “thu thập những yếu tố hữu ích cho việc tố tụng hôn nhân nếu cần”. Như vậy, ngài có trách nhiệm giúp giáo dân: – cân nhắc và nhận định về nghi vấn hôn nhân của họ bất thành; – bổ sung các hồ sơ và tiến hành làm đơn nộp cho toà án giáo phận, nếu cần; – trình bày bằng văn bản các dữ kiện ngài đã thu thập được về hôn nhân này[11].
II. Những đổi mới trong thủ tục toà án giáo phận
1- Người tín hữu có thể nộp đơn khiếu kiện hôn nhân bất thành tại giáo phận của mình. Trước đây, theo Giáo Luật điều 1673 cũ, ưu tiên một là toà án giáo phận nơi đã cử hành hôn phối; sau đó là toà án nơi người phối ngẫu còn lại đang cư ngụ; chỉ hai toà án này có quyền trực tiếp nhận đơn; một toà án khác (nơi nguyên đơn cư ngụ hay nơi có nhiều chứng cứ) muốn xét xử phải được sự nhượng quyền của toà án nơi người phối ngẫu còn lại đang cư ngụ. Hiện nay, theo Giáo Luật điều 1672 mới, nơi có quyền nhận đơn là nơi đã cử hành hôn phối, nơi một trong hai người phối ngẫu đang cư ngụ, hay nơi có nhiều chứng cứ; ưu tiên cho nơi nào gần với người nộp đơn.
2- Vị giám mục giáo phận có thể chọn cách xét xử theo thủ tục vắn gọn. Khi cả hai người kết hôn đều muốn xin và trường hợp hôn nhân bất thành của họ khá rõ ràng, sau một cuộc điều tra vắn tắt, vị Giám mục thể trực tiếp ra quyết định công nhận yêu cầu của họ.
3- Lời khai của hai người phối ngẫu được đề cao hơn. Việc công bố hôn nhân bất thành, nói chung, “có lợi” cho hai người phối ngẫu và các nhân chứng thuộc gia đình của họ. Vì thế, trước đây quan niệm chung của giáo luật cho rằng: lời khai của những người này không thể xem là có giá trị chứng minh chắc chắn và đầy đủ cho sự kiện hôn nhân bất thành. Đầu thế kỷ XX, toà án Giáo Hội còn đòi “septimus manus”, phải có bảy nhân chứng cùng làm chứng cho sự kiện hôn nhân bất thành. Với Tự sắc mới, Giáo Luật điều 1678§1 chủ trương: “Trong những vụ án hôn nhân bất thành, lời tự thú tư pháp và những lời khai của các bên, mà được các nhân chứng xác nhận là đáng tin, có thể có hiệu lực chứng minh đầy đủ”.
4- Toà án có thể không cần giám định của chuyên viên. Một số vụ án cần có giám định của chuyên viên; chẳng hạn: để xác định một người không thể kết hôn vì bệnh bất lực giao hợp vĩnh viễn, hay bị bệnh tâm thần… Trước đây, toà án Giáo Hội phải nhờ đến văn bản xét nghiệm của ít nhất là hai chuyên viên độc lập do toà án chỉ định. Hiện nay, trong trường hợp tương tự, “thẩm phán phải nhờ đến sự giúp đỡ của một hay nhiều giám định viên, trừ khi hoàn cảnh cho thấy rõ việc giám định không cần thiết”[12]. Như vậy, vị chánh án có quyền quyết định việc không cần nhờ đến giám định của chuyên viên.
5- “Lời khai của một nhân chứng duy nhất có thể có giá trị chứng minh đầy đủ, nếu đó là một nhân chứng có tư cách chuyên môn cung khai về những sự việc thuộc nhiệm vụ của mình”[13]. Trước đây, chỉ có lời khai của vị linh mục chính xứ có trách nhiệm mới có giá trị này; chẳng hạn: khi linh mục chính xứ A làm chứng là người giáo dân này của ngài đang có vợ, toà án có quyền công bố ngay hôn nhân sau đó của người này là bất thành. Hiện nay, Giáo Hội công nhận là lời khai của một nhân chứng duy nhất khác cũng có thể có giá trị tương tự.
Kết luận: Tự sắc Mitis Iudex Dominus Iesus – Chúa Giêsu Thẩm phán Nhân từ – có mục đích cải tổ và đơn giản hoá thủ tục công bố hôn nhân bất thành. Tuy nhiên, Tự sắc cũng đòi hỏi nhiều hơn đối với nhiệm vụ của các vị mục tử và các thành viên của toà án Giáo Hội. Đối với Giáo Hội tại Việt Nam, Tự sắc sẽ không đem lại một hoạt động bên ngoài nào đáng kể, nhưng sẽ tạo ra những ảnh hưởng sâu đậm trong đời sống giáo phận.
Lm Gioan Bùi Thái Sơn | Bản tin Hiệp Thông Số 93 năm 2016
_______
[1] Tự sắc Mitis Iudex Dominus Iesus, Phần Nhập đề, tiêu chuẩn VI; Sussidio applicativo del Motu pro.p.10. Trong các trích dẫn sau, chúng tôi chỉ ghi vắn tắt là Tự sắc và Sussidio.
[2] Tự sắc, Những nguyên tắc về thủ tục, Khoản3.
[3] Sussidio p. 14.
[4] Tự sắc, Giáo Luật điều 1687§3-4; Sussidio p.42.
[5] Tự sắc, Phần Nhập đề, tiêu chuẩn III; Sussidio p. 9-10.
[6] Directoire pour les Missions de la Cochinchine Occidentale et du Cambodge 1922, p. 164; Chỉ Nam Linh Mục địa phận Long Xuyên 1972, số 316, tr. 137: “Các linh mục phải cố gắng hết sức để lo cho các đôi vợ chồng rối”.
[7] Sussidio p. 23.
[8] Giáo Luật điều 1687§3-4; Sussidio p.20.
[9] Tự sắc, Phần Nhập đề, tiêu chuẩn IV; Sussidio p. 32-37.
[10] Tự sắc, Những nguyên tắc về thủ tục, Khoản 1-3.
[11] Trong vòng 15 năm qua (2000-2015), khi toà án giáo phận TPHCM gởi thư hỏi ý kiến về hôn nhân đang có khiếu kiện, trong đại đa số các trường hợp, linh mục chính xứ không trả lời hay trả lời “Tôi không biết gì”.
[12] Giáo Luật điều 1678§3;Sussidio p. 27.
[13] Giáo Luật điều 1678§2;Sussidio p. 27.